image banner
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó bão số 4 tại một số điểm trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Sáng sớm ngày 19/9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão (bão số 4). Vị trí tâm báo lúc 13h ngày 19/9 ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển Quảng Bình-Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74Km/h), giật cấp 10 (89-102km/h), di chuyển theo hương Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 25 km/h.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ ngày 17/9 đến sáng ngày 19/9 đã có mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa từ ngày 17/9 đến 13h ngày 19/9 đo được tại một số trạm Khí tượng, Thủy văn như sau: KT Quỳnh Lưu: 146mm; TV Chợ Tràng (Hưng Nguyên): 118 mm; KT Vinh: 240 mm; TV Cửa Hội: 138 mm, KT Con Cuông: 122 mm…

Để chủ động trong công tác ứng phó bão số 4, sáng 19/9 Đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN và PTDS) tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh làm trưởng đoàn đi thực tế tại một số điểm ách yếu tại các huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tham gia cùng đoàn công tác kiểm tra có đồng chí Phùng Thành Vinh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh; đồng chí Nguyễn Trường Thành – Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh cùng đại diện các chi cục và đơn vị liên quan.

Anh-tin-bai

Đoàn công tác kiểm tra điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 48.

Đoàn công tác đã kiểm tra điểm sạt lở ta ly dương tại km 103 + 500 trên tuyến Quốc lộ 48A. Theo ghi nhận, tại vị trí này đất đá đã tràn ra lòng đường kéo dài khoảng 100 mét, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Mặc dù đã được đầu tư hệ thống kè bê tông nhưng đã bị xô đổ.

Tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Đệ yêu cầu các đơn vị huy động máy móc san gạt, đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua. Chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo nguy hiểm để người dân được biết, đặc biệt là trong thời điểm hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn. Về lâu dài cần có giải pháp để kè chống sạt lở tại điểm ách yếu này.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ kiểm tra khu vực sinh sống của các hộ dân thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở.

Tại hạ lưu cửa xả của thủy điện Châu Thắng tại bản Minh Tiến, xã Châu Tiến. Hàng năm thường có 93 hộ đối mặt với ngập lụt và sạt lở, trong đó có 22 hộ sinh sống ở thẳng hướng cửa xả của Thủy điện Châu Thắng, cách cửa xả khoảng 700 m, tiềm ẩn nguy hiểm trong mùa mưa bão. Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế công tác đảm bảo an toàn cho các hộ dân nằm ở hạ lưu cửa xả của thủy điện Châu Thắng. Qua nắm bắt tình hình, đồng chí Nguyễn Văn Đệ yêu cầu địa phương cần triển khai giải pháp an toàn trước mắt để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Nhân dân. Khi mưa lớn, nước dâng lên cao, phải có phương án di dời người dân đến nơi an toàn. Về phương án lâu dài, huyện Quỳ Châu cần lên phương án, đề xuất các Sở, ngành xây kè bảo vệ tại khu vực này để ổn định cuộc sống cho người dân sau này.

Anh-tin-bai

Đoàn công tác nghe báo cáo vận hành điều tiết nước của Thủy điện Châu Thắng.

Sau khi kiểm tra hạ lưu nhà máy thủy điện Châu Thắng, đoàn đã đi kiểm tra quy trình vận hành điều tiết nước của nhà máy thủy điện. Tại thời điểm kiểm tra, mực nước về hồ là 116m3/s, trong trưa 19/9 hạ xuống khoảng 100m3/s. Cao trình hồ chứa đang ở mức 113m. Hiện nay, thủy điện đang xả qua 2 tổ máy với 1 cửa xả, tổng lưu lượng xả là 93m3/s.

Từ thực tế kiểm tra, đồng chí Nguyễn Văn Đệ yêu cầu Nhà máy điều tiết đúng quy trình và hướng dẫn,  bám sát lưu lượng nước về hồ, thường xuyên theo dõi diễn biến của bão số 4, cắt cử lực lượng túc trực 24/24 giờ để kịp thời xử lý các tình huống, đặc biệt khi hoàn lưu bão số 4 có thể gây mưa lớn, lượng nước đổ về hồ sẽ lớn hơn. Huyện Quỳ Châu phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giám sát quá trình điều tiết nước của các thủy điện trên địa bàn để thông báo kịp thời đến chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện khi thủy điện vận hành xả lũ.

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra việc vận hành điều tiết nước tại Thủy điện Châu Thắng.

Tiếp đến, đoàn công tác cũng đã kiểm tra cầu tràn Khe Lan thuộc bản Na Xén, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu. Tại khu vực này mỗi khi đến mùa mưa bão thường xảy ra ngập lụt, chia cắt nhiều hộ dân. Đồng chí Nguyễn Văn Đệ cho rằng vị trí này cần đầu tư cầu cao để đảm bảo đời sống cho nhân dân, mở đường tiếp cận từ huyện Quỳ Hợp sang thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu và huyện Quế Phong khi Quốc lộ 48A bị ngập lụt, sạt lở gây chia cắt.

Anh-tin-bai

Đoàn công tác kiểm tra cầu tràn khe Lan, xã Châu Hạnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ yêu cầu huyện Qùy Châu cần triển khai các kế hoạch ứng phó cụ thể, thực hiện sớm, đặc biệt là tăng cường kiểm tra các điểm xung yếu, các tuyến đường thường xuyên sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh, công tác triển khai ứng phó với bão số 4 đang được khẩn trương triển khai trên toàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tai (16 giờ ngày 19/9/2024)

Về tình hình tàu thuyền: Nghệ An có 2.833 phương tiện/13.638 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Số tàu thuyền đang neo đậu tại bến: 2.829 phương tiện/13.623 lao động. Số phương tiện đang hoạt động trên biển 04 phương tiện/15 lao động, trong đó: Hoạt động ở Hoàng Sa: Không; Hoạt động hoạt động tại Vịnh Bắc Bộ: Không; Hoạt động ven bờ: Không; Hoạt động ngoại tỉnh 04 phương tiện/15 lao động (vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu); Số phương tiện nằm trong khu vực nguy hiểm: Không.

Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của bão số 4.

Hiện nay tỉnh đang chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền tại khu neo đậu, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền khi bão đổ bộ. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của bão số 4.

Về tình hình sản xuất Nông nghiệp: Vụ Hè Thu - Mùa: Đã thu hoạch hơn 59.360 ha/ 76.481,4 ha (đạt 77,6 %); Các diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch đang được các địa phương tập trung thu hoạch với phương “xanh nhà hơn già đồng”. Đối với Vụ Đông, Nghệ An đã gieo trồng được hơn 6.500 ha/KH 33.200 ha. Về nuôi trồng thủy sản: Hiện tại, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Nghệ An 20.478 ha (trong đó: Diện tích nuôi nước ngọt: 19.588,0 ha; diện tích nuôi nước lợ: 890 ha). 4.013 lồng, bè, dàn (trong đó: Nuôi cá lồng nước ngọt: 2.173 lồng; nuôi cá lồng mặn, lợ: 1.061 lồng; nuôi hàu cửa sông: 779 dàn, bè). UBND tỉnh đã chỉ đạo tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè khi có bão, mưa lũ.

Tin bài: Nguyễn Thế Cương

Ảnh: Trần Tuấn Khanh

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1