image banner
Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Đệ làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại huyện Tân Kỳ và thị xã Hoàng Mai

 Sáng 5/9, đoàn công tác của UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại huyện Tân Kỳ và thị xã Hoàng Mai. Tham gia đoàn có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn; cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Thủy lợi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng các đơn vị liên quan.

Tại huyện Tân Kỳ

Tham gia làm việc với đoàn có đồng chí Phan Văn Giáp – Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cùng các phòng, ban trực thuộc UBND huyện.

Đoàn công tác đã kiểm tra tiến độ thu hoạch lúa hè thu chạy bão. Theo thống kê, toàn huyện có 2.888ha lúa hè thu, do đặc thù về thời tiết, địa hình nên gieo cấy muộn hơn so với các địa phương vùng xuôi. Tính đến ngày 5/9, toàn huyện mới thu hoạch được 400ha, nhiều diện tích lúa còn xanh. Hiện huyện đang tập trung huy động máy móc để tiến hành gặt những diện tích có thể cho thu hoạch được.

Anh-tin-bai

Đoàn công tác kiểm tra diện tích thu hoạch lúa hè thu tại huyện Tân Kỳ

Qua kiểm tra thực tế, đồng chí Nguyễn Văn Đệ yêu cầu huyện Tân Kỳ chỉ đạo các địa phương thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, đối với diện tích lúa còn xanh, chủ động phương án tiêu úng cứu lúa kịp thời khi bão kèm theo mưa lớn có thể gây ngập lụt diện rộng. Tập trung để trước 7/9 phải thu hoạch toàn bộ diện tích lúa đã chín đạt 80%. 

Tiếp đến, đoàn đi kiểm tra điểm sạt lở bờ suối Khe Thần tại xã Nghĩa Bình huyện Tân Kỳ. Theo báo cáo của UBND huyện, tổng chiều dài đoạn sạt lở hơn 600 mét, trong đó có 200 mét nguy cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến 24 hộ dân. Trong mùa mưa bão năm 2023, xã Nghĩa Bình đã tổ chức sơ tán 10 hộ dân đến nơi an toàn. Hiện đang thông báo cho các hộ sẵn sàng phương án ứng phó trước khi bão số 3 đổ bộ.

Anh-tin-bai

Đoàn công tác kiểm tra tại điểm sạt lở bờ suối Khe Thần tại xã Nghĩa Bình huyện Tân Kỳ

Tại điểm sạt lở bờ suối Khe Thần, đồng chí Nguyễn Văn Đệ yêu cầu chính quyền địa phương cần tập trung theo dõi dự báo thời tiết, diễn biến của bão để chủ động phương án đảm bảo an toàn cho người dân. Sẵn sàng di dời nhân dân khi có diễn biến xấu nhất xảy ra. Về lâu dài, huyện Tân Kỳ cần làm việc cùng các Sở, ngành tìm ra giải pháp để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Tại thị xã Hoàng Mai

Làm việc cùng đoàn có đồng chí Lê Trường Giang – Bí thư thị ủy và các phòng, ban liên quan trực thuộc UBND thị xã.

Tại đây, đoàn công tác đã đến kiểm tra tiến độ thi công đập Đồi Tương tại xã Quỳnh Vinh. Đây là công trình đảm bảo an toàn hồ đập về phòng chống lũ và cấp nước ổn định cho 215ha đất sản xuất của địa phương. Tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng.

Anh-tin-bai

Đoàn công tác kiểm tra các biện pháp an toàn trước khi bão số 3 đổ bộ tại đập Đồi Tương, Thị xã Hoàng Mai.

Đối với công trình đập Đồi Tương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc và đơn vị thi công triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, đặc biệt trong tình huống lưu lượng nước về hồ lớn, vượt tràn xả lũ cao trong khi thân đập chưa thi công hoàn chỉnh. 

Tiếp đến, đoàn công tác đã kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại cảng Quỳnh Phương. Theo báo cáo, toàn thị xã Hoàng Mai hiện có 1.069 tàu thuyền với 5.982 lao động trên biển. Đến nay có 108 phương tiện, 445 lao động đang hoạt động vùng biển Hoàng Sa trên đường vào Đà Nẵng, Quảng Ngãi. 185 phương tiện đang hoạt động tại vịnh Bắc Bộ, trong đó 22 phương tiện hoạt động trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Trị, 92 phương tiện hoạt động trên vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh và 71 phương tiện hoạt động trên vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Bình. Bên cạnh đó, có 51 phương tiện đang hoạt động ven bờ ở Nghệ An.

Anh-tin-bai

Đoàn kiểm tra tình hình tàu thuyền về neo đậu, tránh trú bão tại cảng Lạch Cờn, phường Quỳnh Phương

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ yêu cầu chính quyền địa phương, các cảng cá, lực lượng biên phòng tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống với phương châm "4 tại chỗ".

Tin bài và ảnh: Nguyễn Thế Cương

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1