Thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong năm 2022 ước tính thiệt hại về kinh tế lên gần 1.300 tỷ đồng
Theo tổng hợp báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 thiên tai đã gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông, lâm, nghiệp và các công trình hạ tầng,…; Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 1.300 tỷ đồng
Chiều 20/3, tại thành phố Vinh, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội nghị Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh: Năm 2022, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão (số 2, 3 và số 4) và ATNĐ (ngày 04 - 08/7); 22 đợt không khí lạnh (trong đó có 15 đợt gió mùa Đông Bắc); 09 đợt nắng nóng, đáng chú ý là đợt từ ngày 24 - 27/4; 33 đợt lốc, mưa lớn, mưa đá, sét, trong đó có 05 đợt mưa lớn trên diện rộng.
Thiên tai đã làm chết: 12 người; bị thương: 01 người; 100 nhà bị sập; 990 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 322 nhà phải di dời khẩn cấp. Gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông, lâm, nghiệp và các công trình hạ tầng,…; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 1.265 tỷ đồng.
Đợt mưa lớn đầu tháng 10 gây ra trận lũ ống, lũ quét tại huyện Kỳ Sơn
Cũng trong năm 2022, các hình thái thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, vì vậy trong lĩnh vực khai thác thủy sản của tỉnh Nghệ An đã xảy ra 35 vụ tai nạn, sự cố tàu thuyền, đã làm chết: 15 người, mất tích 03 người, bị thương 10 người; 05 phương tiện bị chìm, 10 phương tiện bị hư hỏng.
Một tàu cá Nghệ An bị chìm do sự cố (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, nhờ công tác chuẩn bị và ý thức chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân được triển khai có hiệu quả, nên đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và của. Việc chủ động ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, công tác trực ban được thực hiện 24/24h nghiêm túc, nắm bắt tình hình thiên tai được nhanh chóng và có biện pháp xử lý kịp thời. Những thiệt hại về thiên tai đã được giảm thiểu đáng kể so với các năm trước.
Toàn cảnh Hội nghị
Năm 2023, nhiệm vụ PCTT - TKCN đặt ra các vấn đề trọng tâm yêu cầu các ngành, địa phương cần tiến hành khẩn trương công tác phòng chống thiên tai; bổ sung các cơ chế chính sách đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, lồng ghép các nội dung phòng, chống thiên tai vào Quy hoạch, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chuẩn bị PCTT theo phương án 4 tại chỗ và nâng cao năng lực cộng đồng. Xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó thiên tai của từng ngành, lực lượng vũ trang, UBND các huyện, thành, thị, trong đó chú ý tới các công trình trọng điểm, đê điều, hồ đập, vùng miền núi có nguy cơ dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro thiên tai với các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác mà phải tăng cường quán triệt mạnh mẽ hơn về công tác phòng, chống thiên tai. Đặc biệt, phải tăng cường phối hợp tuyên truyền đến tận cơ sở, các khu dân cư; bảo đảm thông tin trao đổi kịp thời, chính xác; tập trung nâng cao chất lượng, vai trò của các Ban chỉ huy PCTT - TKCN các địa phương. UBND cấp huyện và các ngành phải có phương án PCTT - TKCN sát với tình hình thực tế nhằm phòng tránh và giảm thiểu tối đã thiệt hại do thiên tai gây ra.
Nguồn Video: NTV