Chính phủ ban hành quy định mới về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi
(CCTLNA)-Chính phủ ban hành Nghị định số 8/2025/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi
Theo đó, ngày 09/01/2025, Chính ban hành Nghị định số 8/2025/NĐ-CP về việc quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.
Nghị định số 8/2025/NĐ-CP ban hành thay thế Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do ban hành đã nhiều năm và có nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình quản lý và sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, cụ thể:
-Chưa thực hiện giao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi cho cơ quan chức năng quản lý nhà nước về thủy lợi; vì cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi không đủ nhân lực để kiểm soát hồ sơ tài sản, hạch toán kế toán tài sản theo quy định.
-Hầu hết hồ sơ tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đều thiếu (hồ sơ thiết kế, hồ sơ quyết toán công trình ban đầu cũng như hồ sơ quản lý đất đai và tài sản công trình) do công trình xây dựng đã lâu, không có hoặc thất lạc hồ sơ. Một số công trình thủy lợi do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp quản lý không xác định được nguồn gốc tài sản (thuộc nhà nước hay nhân dân). Một số công trình sau khi quyết toán, đơn vị chủ đầu tư không cung cấp hồ sơ công trình cho đơn vị quản lý, sử dụng.
Nghị định số 8/2025/NĐ-CP có nhiều điểm mới, và khắc phục một số hạn chế của Nghị định số 129/2017/NĐ-CP, trong đó, có chỉ rõ 02 phương án phân loại tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi. Cụ thể
Nghị định nêu rõ phân loại tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo 2 phương án: Phân loại theo chức năng của tài sản và phân loại theo cấp quản lý.
Phân loại theo chức năng của tài sản gồm:
a- Đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi.
b- Trụ sở làm việc, văn phòng làm việc của đối tượng được giao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
c- Tài sản khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi gồm: Nhà quản lý, trạm quản lý, đường quản lý; thiết bị quan trắc; kho, bãi vật tư, vật liệu; cột mốc chỉ giới, biển báo và các công trình, vật kiến trúc khác phục vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
Phân loại theo cấp quản lý gồm:
a- Tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
b- Tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là các công trình thủy lợi không thuộc phạm vi điểm a khoản này.
Nghị định nêu rõ tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia được xác định theo quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
Ảnh: Công trình thủy lợi đập dâng Đô Lương, Nghệ An
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục giao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, Ủy ban nhân dân huyện quản lý; Hồ sơ quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi; bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi...
Chi tiết Nghị định số 08/2025/NĐ-CP tại đâyTải về