Nghệ An: Ban hành Công điện chủ động ứng phó với nguy cơ, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2025
Ngày 23/01/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh ký ban hành công điện số 04/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với nguy cơ, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn
Theo đó, Công điện nêu rõ: Hiện nay, đang chuẩn bị vào mùa khô, mực nước tại nhiều hồ chứa ở Nghệ An ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo từ nay đến tháng 03/2025, lượng dòng chảy các sông ở Nghệ An thấp hơn từ 10-15 % trung bình nhiều năm. Năm 2025, tại Nghệ An có thể xảy ra hạn hán, thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân.
Để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT-TKCN và PTDS) yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT- TKCN và PTDS tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch, Giám đốc các Công ty Thuỷ lợi, Thuỷ điện trên địa bàn tỉnh tổ chức theo dõi, chủ động triển khai công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong những tháng cao điểm mùa khô tới.
Trong đó tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã
- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, trong đó hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
- Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; bố trí vùng sản xuất cây trồng có cùng khả năng chịu mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc điều tiết nước.
- Hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.
- Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tổ chức theo dõi sát diễn biến và có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân; đồng thời chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm thường xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, các Công ty Thủy lợi, Thủy điện và UBND cấp huyện có liên quan chỉ đạo vận hành linh hoạt, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn tài nguyên nước, vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vừa bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm.
- Tổng hợp tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các địa phương, chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh đề xuất cơ quan thẩm quyền xem xét, hỗ trợ thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định của pháp luật.
...
3. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành liên quan theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai kịp thời công tác ứng phó hiệu quả với nguy cơ, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Chi tiết công điện: Tải về