Hội thảo được diễn ra nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, khai thác dữ liệu, cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai từ trung ương đến địa phương và hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng chống thiên tai
Trong khuôn khổ thực hiện dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biển đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”, sáng 22/3, tại Hà Nội, Ban Quản lý dự án GCF chống chịu biến đổi khí hậu tổ chức“Hội thảo thảo tập huấn về chuyển đổi số và giới thiệu trang chuyên mục chuyển đổi số phòng chống thiên tai” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối với gần 80 điểm cầu ở Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng các đơn vị liên quan nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, khai thác dữ liệu, cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai từ trung ương đến địa phương và hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng chống thiên tai.
Hình ảnh tại các điểm cầu tham dự Hội nghị
Tại điểm cầu Hà Nội, Ông Bùi Quang Huy - Phó Giám đốc Trung tâm chính sách và kỹ thuật phòng chống thiên tai chủ trì Hội thảo và các phòng thuộc Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai. Tham dự tại các điểm cầu chính còn có đại diện các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Văn phòng Bộ Trung tâm chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp); Cục Chuyển đổi số Quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông; Các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ: UNDP; UN Women; Unicef, Chữ thập đỏ Mỹ, Save the Children; Tổ chức Plan; Help Age; CRS; CARE ; OXFARM; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; FAO; Samaritan's Purse
Tại các điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có sự tham gia của lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS cùng các phòng, ban liên quan.
Hình ảnh tại điểm cầu chính (Hà Nội)
Ở điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Trần Quốc Toản - Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh chủ trì. Tham dự hội thảo có các đồng chí phòng Phòng, chống thiên tai
Toàn cảnh tại điểm cầu Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh Nghệ An
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Quang Huy - Phó Giám đốc Trung tâm chính sách và kỹ thuật phòng chống thiên tai nêu rõ: Cục Quản lý Đê điều và PCTT (trước đây là Tổng cục Phòng, chống thiên tại) được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng mô hình hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tổng thể phục vụ phòng, chống thiên tại nhằm tăng cường khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, khai thác dữ liệu, cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai từ trung ương đến địa phương và hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng chống thiên tai. Nhằm hoàn thiện mô hình hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tổng thể phục vụ phòng chống thiên tai, đó mà mục đích hội thảo này được tổ chức.
Trong cuộc Cách mạng 4.0 hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu để thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp thủ công, truyền thống bằng việc ứng dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất nông nghiệp; tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số thành công trước hết phải chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số cho các đơn vị trực thuộc ngành Nông nghiệp.
Trên cơ sở Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Nông nghiệp là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số
Ông Bùi Quang Huy - Phó Giám đốc Trung tâm chính sách và kỹ thuật phòng chống thiên tai phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo các đại biểu đã được các chuyên gia trao đổi về 4 chuyên đề: Kiến thức cơ bản về chuyển đổi số; Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT; Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tổng thể và chuyển đổi số phòng, chống thiên tai; Trang chuyên mục chuyển đổi số phòng, chống thiên tai.
Theo các chuyên gia, hiện nay có rất nhiều định nghĩa về chuyển đổi số (Digital Transformation - viết tắt là DT), trang wikipedia cho rằng: Chuyển đổi số là việc vận dụng tính luôn đổi mới, nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật để giải quyết vấn đề. Khái niệm này được ra đời trong thời đại bùng nổ Internet, mô tả những hoạt động đổi mới một cách mạnh mẽ và toàn diện trong cách thức hoạt động của một đơn vị, một tổ chức. Hay nói cách khác, chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình hoạt dộng và cung cấp các giá trị mới cũng như tăng tốc các hoạt động trong quá trình đó. Một số khác lại cho rằng: “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số” hay Chuyển đổi số là làm khác đi nhờ dữ liệu và công nghệ số.
Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Việt Nam. Chính phủ Việt nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn để chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giao cho Bộ Thông tin &Truyền thông xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng 2030, xác định Nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên và nêu rõ “hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật...”
Đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp và PTNT trao đổi tại Hội thảo
Đại diện UNDP tại Việt Nam trao đổi tại Hội thảo
Thông qua buổi tập huấn, các đại biểu đã hiểu hơn về những nội dung cơ bản liên quan chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cũng như chia sẻ cách thức thực hiện thành công của một số địa phương, đồng thời giới thiệu khái quát một số nền tảng, ứng dụng tiêu biểu đã được áp dụng thành công tại một số địa phương trên cả nước để giúp cho ngành Nông nghiệp định hướng được cần thực hiện chuyển đổi số như thế nào trong thời gian tới. Bên cạnh đó, rà soát các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực quản lý để đề xuất, đưa ra giải pháp thực hiện chuyển đổi số phù hợp để thực hiện nhanh và hiệu quả chuyển đổi số ngành Nông nghiệp.
Tin bài và ảnh: Võ Đại Khoa
phòng Phòng chống thiên tai