image banner
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp chỉ đạo ứng phó với siêu bão Yagi

Chiều 5/9, trước diễn biến phức tạp của bão số 3,  Văn phòng Chính phủ tổ chức họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và PTNT để chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão Yagi (bão số 3). Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp.

Anh-tin-bai

Toàn cảnh tại điểm cầu tỉnh Nghệ An

Tại điểm cầu tại tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS tỉnh đồng chủ trì. Cùng tham gia họp còn có các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh, lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Anh-tin-bai

Đồng chí Nguyễn Đức Trung và đồng chí Nguyễn Văn Đệ đồng chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, cơn bão số 3 rất mạnh, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương. Chính phủ rất quan tâm đến diễn biến của bão. Ngay trong ngày hôm nay (5/9), Thủ tướng đã ban hành 2 công điện để chỉ đạo ứng phó với bão số 3.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bên tham dự họp báo cáo tập trung vào công tác ứng phó với bão, trong đó đặc biệt quan tâm đến kế hoạch cứu hộ, cứu nạn trước, trong và sau bão.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu cơ quan chuyên môn chỉ rõ những vùng ảnh hưởng chính của bão, các vùng hoàn lưu để địa phương có phương án chủ động.

Siêu bão Yagi mạnh nhất trong vòng 10 năm nay

Bão số 3 được xem là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây. Vào sáng nay 5/9, bão đã mạnh cấp 15, giật trên cấp 17. Khả năng cao, cường độ bão sẽ tăng lên cấp 16 hôm nay trên vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông.

Trong 24 giờ tới, vùng biển khu vực bắc Biển Đông có sóng biển cao 7-9m, vùng gần tâm bão 10-12m. Biển động dữ dội.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ tối và đêm 6/9, bão có thể vào Vịnh Bắc Bộ, kèm theo mưa, gió tăng rõ rệt. Vào chiều và đêm 7-8/9 sẽ có mưa to. Dự báo đến chiều 8/9, gió ven biển giảm, mưa tập trung ở Tây Bắc Bộ.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão khi đổ bộ có thể mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 17. Bão hiện di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, với tốc độ khoảng 10-15 km/giờ.

Trong 24 giờ qua, bão số 3 liên tục tăng cấp. Nguyên nhân bởi điều kiện môi trường ở khu vực bắc Biển Đông đang thuận lợi cho quá trình phát triển bão, với nền nhiệt cao 31 độ C duy trì nhiều ngày. Bên cạnh đó, khu vực này trong thời gian dài chưa xuất hiện bão nên năng lượng tích tụ, độ ẩm, hoàn lưu khí quyển và khí áp dòng dẫn liên tục tăng cấp.

Thời tiết oi nóng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ không phải là điều kiện thuận lợi cho phát triển bão nhưng lại gây nguy cơ dông lốc trước bão. Dự báo, chiều 6/9, khi bão cách đất liền 400-500km, Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội sẽ có mưa dông kèm lốc sét.

Người dân trong vùng hoàn lưu bão tránh ra ngoài vào thứ 7

Báo cáo tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Chiều 5/9, bão số 3 ở trên khu vực phía bắc của khu vực bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 420km về phía đông. Cường độ bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17.

Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80km chung quanh tâm bão.

Các Trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam. Sau đó, bão số 3 di chuyển vào vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.

Dự báo, bão số 3 sẽ duy trì cấp 16, giật trên cấp 17 cho đến khi di chuyển vào vùng biển phía đông của đảo Hải Nam. Dự báo khoảng đêm 6/9, bão sẽ vượt qua khu vực phía bắc đảo Hải Nam di chuyển vào vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa. Khoảng chiều đến đêm 7/9, bão di chuyển vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ, sau đó di chuyển sang phía Tây Bắc Bộ, suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.

Anh-tin-bai

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc họp (ảnh nongnghiep.vn)

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan, đơn vị cần hành động nhanh chóng và chuẩn bị tốt để ứng phó kịp thời với tình hình bão.

Tại các tỉnh và thành phố, cần có các phương án cấm biển, ngừng chợ và hoạt động mua bán, giao thông để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất cho người dân. Các tỉnh cần sớm kiểm tra các điểm tránh, trú bão của tất cả bà con địa phương, quân đội và sự an toàn của du khách để đảm bảo danh tiếng về ngành Du lịch nước ta.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, với cường độ gió mạnh như dự báo thì sức tàn phá của bão số 3 sẽ rất lớn. Do đó, phải đặt ra các kịch bản khác nhau, không chờ công điện chỉ đạo từ trên, các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, chỉ đạo hoạt động sinh sống và sản xuất của người dân.

Anh-tin-bai

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tại cuộc họp (anh nongnghiep.vn)

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, bão số 3 rất mạnh, khó dự báo. Trên đường tiến vào Biển Đông, bão gặp những điều kiện thuận lợi để thành siêu bão. Thực tế, bão đã tăng mấy cấp độ trong 24 giờ qua.

Để phòng, chống bão hiệu quả hơn nữa, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm tốt công tác dự báo, nhất là việc thông tin cho người dân, không thể bó buộc dự báo chỉ bằng số liệu. Đây cũng là cơ sở để lực lượng, cứu hộ, cứu nạn phối hợp làm việc.

Ngoài dự báo về bão, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai lưu ý thêm về dự báo thủy văn, bởi đây là yếu tố có thể ảnh hưởng tới hướng di chuyển, tốc độ, cũng như hoàn lưu của bão.

Mặt khác, các lực lượng liên quan cần phối hợp tốt, hiệu quả theo phân công nhiệm vụ. Các cấp, từ lãnh đạo, đều phải nêu cao tinh thần chủ động, sai ở đâu phải quy rõ trách nhiệm.

Tình hình ứng phó bão số 3 trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh Nghệ An về tình hình diễn biến, công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 3 trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Đến 17 giờ 00 phút ngày 05/9/2024)

Anh-tin-bai

Lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh và Đài khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ tham dự cuộc họp

Tình hình tàu thuyền: Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Nghệ An có 2.833PT/13.638 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Tính đến 15 giờ ngày 05/9/2024: Số tàu thuyền đang neo đậu tại bến 2.159 PT/9.881 lao động; neo đậu ngoại tỉnh: 17 PT/123lao đông. Số phương tiện đang hoạt động trên biển 674 PT/3.757 lao động. Trong đó, số phương tiện hoạt động ở Hoàng Sa: 108 PT/446 lao động; hoạt động tại Vịnh Bắc Bộ: 328 PT/2.510 lao động; hoạt động ven bờ tỉnh Nghệ An: 234 PT/786 lao động; hoạt động ngoại tỉnh 4 PT/15 lao động; Tàu cá không liên lạc được: không; Tàu cá hoạt động trên vùng nguy hiểm: Không. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của Bão số 3.

Tình hình sản xuất Nông nghiệp: Nghệ An vụ Hè Thu - Mùa có hơn 40.000 ha lúa đã thu hoạch và hiện nay các địa phương đang khẩn trương thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đối với Vụ Đông, Nghệ An đã gieo trồng được hơn 5.000 ha/KH 33.200 ha. Về nuôi trồng thủy sản: Hiện tại, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của Nghệ An 20.298 ha (trong đó: Diện tích nuôi nước ngọt: 19.408,0 ha; diện tích nuôi nước lợ: 890 ha). 4.040 lồng, bè, dàn (trong đó: Nuôi cá lồng nước ngọt: 2.200 lồng; nuôi cá lồng mặn, lợ: 1.061 lồng; nuôi hàu cửa sông: 779 dàn, bè). UBND tỉnh đã chỉ đạo tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè khi có bão, mưa lũ.

Công tác di dời, sơ tán dân: Trong thời gian vừa qua, Nghệ An đã xảy ra mưa lớn cục bộ tại một số huyện miền núi, nên khi mưa lớn tiếp tục xảy ra thì nguy cơ sạt lở vùng miền núi, trung du, vùng hạ du hồ đập là rất lớn; hiện nay các địa phương đã xây dựng với các kịch bản để ứng phó.

Trong phương án Ứng phó thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng 5 kịch bản sơ tán dân vùng ven biển phòng tránh nước dâng do bão. Tùy vào cấp bão, các địa phương sẽ tổ chức sơ tán dân theo kịch bản.

Những công việc tỉnh Nghệ An đang tiếp tục triển khai:

1. Tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

2. Đối với tuyến biển

- Tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống.

- Rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.

3. Đối với vùng đồng bằng và ven biển

- Chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển.

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.

- Chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

- Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn.

4. Đối với vùng núi

- Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.

- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

- Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; bố trí lực lượng thường trực sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

- Kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

- Nghiêm cấm người dân vớt củi, đánh bắt cá,… trên sông, suối, hạ lưu hồ đập khi đang có mưa lũ để tránh thiệt hại về người.

5. Theo dõi chặt chẽ, tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

6. Theo dõi tình hình bão, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản.

7. Rà soát phương án ứng phó, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để sẵn sàng hỗ trợ địa phương ứng phó với bão, lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.

8. Chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa; phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hệ thống lưới điện, duy trì cung ứng khi có mưa, lũ xảy ra, đặc biệt đảm bảo điện phục vụ cho các công trình tiêu úng, thoát lũ; đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân.

9. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong và sau mưa lũ.

10. Các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

11. Tổ chức trực ban theo dõi chặt chẽ tình hình, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế; báo cáo, đề xuất trung ương chỉ đạo, xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Tin bài và ảnh: Nguyễn Thế Cương

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1