Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung triển khai công tác ứng phó mưa, lũ, sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trong thiên tai
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra
mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất tại nhiều địa phương. Theo dự báo từ Đài Khí
tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, chiều tối ngày 21/9 đến ngày 23/9, tỉnh
Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông (Mưa lớn chủ yếu tập trung vào ngày và đêm 22/9). Lượng mưa phổ biến:
Đồng bằng ven biển và trung du từ 60 mm - 120 mm, có nơi trên 150 mm; vùng núi
40 mm - 80 mm, có nơi trên 100 mm.
Do ảnh hưởng của
mưa lũ, trên địa bàn tỉnh đã bị thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp, nhà ở, hạ
tầng cơ sở… Đặc biệt đã có thiệt hại về người; nguyên nhân đều do đi qua các ngầm,
tràn qua đường có nước chảy xiết.
Để đảm bảo an
toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh
yêu cầu Đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai công tác ứng phó, khắc phục
hậu quả mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất do hoàn lưu bão số 4 gây ra, đặc biệt đảm bảo an toàn tính
mạng của người dân trong thiên tai, trong đó tập
trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các Công điện: Số 37/CĐ-UBND
ngày 18/9/2024; số 38/CĐ-UBND ngày 19/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh về
việc ứng phó bão, mưa lũ.
2. Bố trí lực lượng canh gác 24/24h để kiểm
soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại
các ngầm, tràn, các đoạn đường, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy
ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở. Đồng thời, nghiêm cấm người dân đánh bắt
cá, vớt củi…trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng ngập lũ, hạ
du các hồ đập, khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để tránh thiệt hại
đáng tiếc về người.
3. Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện
và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất,
lũ ống, lũ quét, ngập lụt để bảo đảm an toàn về tính mạng, hạn chế thiệt hại về
tài sản của Nhân dân.
4. Sẵn
sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu;
5. Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức,
cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên
tai, mưa, lũ; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức
năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng chống thiên tai, mưa, lũ.
6. Đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là
trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó dẫn tới thiệt hại lớn, nhất là
về người;
7. Giao Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ
dân sự
tỉnh tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc
các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực
tế; kịp thời tổng hợp thiệt hại, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý
những vấn đề vượt thẩm quyền.
Nội dung Công văn số 8176/CĐ-UBND ngày 21/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An
Tải về
Tin bài: Nguyễn Thị Liên