image banner
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ do bão số 4 gây ra
Chiều ngày 17/8, Bíthư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã triệu tập cuộc họp với các thành viên Ban chỉhuy PCTT - TKCN tỉnh Nghệ An tại Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh.

Chiều ngày 17/8, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã tổ chức họp khẩnvới các thành viên Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Nghệ An tại Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh.

Trước thông tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 4 và hoàn lưu bão số 4 sẽ gây mưa to đến rất to cho khu vực Bắc Trung bộ, nhất là đối với các huyện miền núi phía Tây Nghệ An, tổng lượng mưa đợt đạt 250 đến 300mm. Chiều ngày 17/8, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đã họp khẩn với các thành viên Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Nghệ An tại Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh để bàn về những giải pháp cấp bách trước mắt để ứng phó với mưa lũ và ngập lụt.

Đồng Chủ trì cuộc họp là đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Dự họp còn có các đồng chí thành viên Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh là Giám đốc các Sở, ban, ngành: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Công thương, Nông nghiệp và PTNT, Lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung bộ và các sở, ngành liên quan.



Toàn cảnh buổi làm việc


Báo cáo nhanh tại buổi làm việc đồng chí Nguyễn Sỹ Hưng - Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: “Do hoàn lưu của cơn bão số 4 tổng lượng mưa từ ngày 16/8 đến 7 giờ ngày 17/8 phổ biến từ 250 - 300 mm. Đặc biệt, trên khu vực miền Tây Nghệ An nước lũ từ khu vực Thượng Lào không ngừng đổ về kết hợp với mưa lớn đã gây ngập úng, sạt lở nhiều nơi. Tỉnh Nghệ An có trên 625 hồ đập lớn nhỏ. Trong đó, 533 hồ do địa phương quản lý, cách đây 3 tuần do ảnh hưởng của bão số 3 đã có 414 hồ đầy nước từ, các hồ còn lại đạt 70 đến 80% dung tích thiết kế; 95 hồ đập do doanh nghiệp thủy lợi quản lý, đến ngày 16/8 có 52 hồ đầy nước; 38 hồ có dung tích trên 70 %. Tỉnh có 2 hồ lớn là Vực Mấu và Sông Sào đều đã tiến hành xả nước, trong đó hồ Vực Mấu xả cửa tràn số 3 với lưu lượng xả 93,38 m3/s; hồ sông Sào xả cửa tràn số 2 với lưu lượng xả 165 m3/s".




Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Nguyễn Sỹ Hưng báo cáo nhanh tình hình diễn biến mưa lũ


Về các công trình thủy điện, hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) hiện tại lưu lượng về hồ là 3.309,0m3/s. Theo Quy trình vận hành liên hồ chứa (Bản Vẽ - Khe Bố - Chi Khê) vào lúc 15h ngày 17/8, Trưởng Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh đã ban hành lệnh vận hành xả lũ với lưu lượng xả từ 1.000 - 2.500m3/s tại hồ Thủy điện Bản Vẽ. Còn các hồ Khe Bố, Chi Khê sẽ xả qua nhà máy đúng bằng lưu lượng về hồ. Cụ thể: tại Hồ thủy điện Khe Bố (huyện Tương Dương) tổng lưu lượng xả: 1.888 m3/s (qua tổ máy: 487,0 m3/s và xả qua tràn: 1401,0 m3/s). Đối với hồ thủy điện Chi Khê (huyện Con Cuông) lưu lượng xả: 2.214,0 m3/s (qua tổ máy: 487,0 m3/s và qua tràn: 1.727,0 m3/s).

Do mưa lũ và sạt lở, hiện tại nhiều tuyến giao thông trọng yếu trên địa bàn tỉnh bị chia cắt. Đáng chú ý là các điểm ngập úng tại K120+250; K122+100 thuộc Quốc lộ 7; trên Quốc lộ 15, một số vị trí thuộc Quốc lộ 48; 48B, 48E và các tuyến tỉnh lộ như: đường 531B, 534B, 541. Sở GTVT Nghệ An, Cục QLĐB II đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với Chính quyền địa phương, lực lượng an ninh và Thanh tra giao thông tổ chức đảm bảo giao thông, như: Cắm tiêu vè, barie, biển báo, rào chắn, người trực gác….tại các vị trí ngập và tổ chức đóng đường, phân luồng đảm bảo giao thông. Sạt lở taluy dương trên tuyến Quốc lộ 7 đoạn tiếp giáp giữa huyện Con Cuông và Tương Dương với khối lượng trêm 2.000 m3; hiện tại Sở Giao thông Vận tải đang khẩn trương khơi thông để đảm bảo giao thông bước 1.



Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc


Sau khi nghe Đại diện các sở, ngành báo cáo tình hình mưa lũ và các giải pháp ứng phó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng cho biết: “Từ sáng 17/8 UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương túc trực, theo dõi diễn biến mưa lũ để có biện pháp đối phó. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành tiếp tục cắt cử người bám địa bàn nhằm hỗ trợ người dân vùng ngập lụt, đặc biệt thực hiện di dời kịp thời người dân vùng ảnh hưởng; tập trung bám sát, theo dõi các hồ đập thủy lợi và thủy điện để bảo vệ cũng như đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra”.

Bên cạnh đó Đồng chí Đinh Viết Hồng yêu cầu UBND huyện Tương Dương khẩn trương di dời ngay 34 hộ dân nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Nậm Nơn thuộc xã Lượng Minh; Đề nghị chính quyền các cấp nghiêm túc trực ban 24/24 và cập nhật liên tục tình hình mưa lũ về Văn phòng Thường trực để thống nhất đầu mối chỉ đạo.



Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh giao nhiệm vụ cho các đơn vị


Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Sở GTVT phải nắm chắc tình hình giao thông các tuyến, vị trí sạt lở nào khắc phục được phải phối hợp với các địa phương tiến hành ngay; Sở Công Thương bám sát theo dõi nhất cử, nhất động tình hình vận hành của các công trình thủy điện nhằm tránh thiệt hại có thể xảy ra. Lưu ý thêm về vấn đề này, đồng chí cho rằng mặc dù việc xả lũ của các hồ thủy điện thường được thông báo trước 4 tiếng đồng hồ, nhưng với đặc thù khu vực miền Tây, người dân đi làm nương rẫy xa nơi ở, khu vực không có sóng điện thoại nên việc liên hệ sẽ khó khăn, chính vì vậy các đơn vị liên quan cần có dự báo, thông báo sớm để người dân biết, tránh các thiệt hại đáng tiếc.

Về các lực lượng vũ trang, nhất là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra. Các lực lượng công an, biên phòng cũng cần chủ động tham gia hỗ trợ nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Kết luận tại buổi làm việc Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, địa phương phải chủ động, sát sao theo dõi tình hình mưa lũ để có phương án kịp thời, hiệu quả. Một trong những việc không kém phần quan trọng là phải quan tâm đến đời sống, sinh hoạt của người dân vùng bị ngập úng, nhất là trong điều kiện nước từ Lào tiếp tục đổ về khu vực miền Tây gây ra các nguy cơ khó lường. Đồng chí khẳng định: “bảo vệ tính mạng của người dân là trên hết, là nhiệm vụ cấp thiết ngay lúc này”. Văn phòng Thường trực cần phát huy hơn nữa vai trò quan trọng trong việc cập nhật thông tin, diễn biến bất thường của mưa lũ, cần có sự kết nối chặt chẽ với lãnh đạo các địa phương để tham mưu cho tỉnh có phương án chỉ đạo kịp thời.



Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh kết luận tại cuộc họp


Ngoài ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các đơn vị rà soát lại những khu vực đã xảy ra ngập lụt và vùng có nguy cơ ngập lụt, chia cắt để có phương án ứng phó kịp thời. "Nếu mưa tiếp tục kéo dài, nước từ Lào tiếp tục dồn về khu vực miền núi tỉnh ta thì tình huống đặt ra sẽ như thế nào?" - Bí thư Tỉnh ủy đặt câu hỏi đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan hết sức tranh thủ thời gian, tiếp cận các khu vực ngập úng và nguy cơ cao để hỗ trợ người dân. Ngoài ra, đồng chí cũng đề nghị các đơn vị liên quan kiểm tra cụ thể, xác định nguyên nhân gây tử vong cho 4 người dân ở huyện Kỳ Sơn ngay khi mưa lũ vừa xảy ra. Qua đó để thông tin, tuyên truyền, cảnh báo người dân các địa phương khác rút kinh nghiệm tuyệt đối tránh tư tưởng chủ quan và có biện pháp phòng tránh. Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh “Tất cả các điểm tràn, vùng có nguy cơ ngập lụt đều phải có cảnh báo và các biện pháp quyết liệt của chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan để tránh, giảm thiệt hại đáng tiếc xảy ra”.


Tin bài và ảnh: Võ Đại Khoa

phòng Phòng chống Thiên tai


THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1