image banner
Tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm 2025

Sáng ngày 21/4, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2024 và triển khai nhiệm vụ PCTT-TKCN năm 2025.

 Tham dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN và PTDS) tỉnh; Hoàng Quốc Việt – Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, Phó trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh; Nguyễn Hào – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, Ủy viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh.

Tham gia Hội nghị có Thượng Phạm Văn Tân - Phó trưởng phòng Tác chiến QK4; thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, ngành; đại diện lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS các huyện, thị xã, thành phố; giám đốc các công ty Thủy lợi, Thủy điện trên địa bàn tỉnh cùng lãnh đạo, công chức, viên chức Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh

Anh-tin-bai

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh khai mạc Hội nghị.

Năm 2024 là một năm thiên tai diễn biến phức tạp, đã xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, rét hại, không khí lạnh, nắng nóng, mưa lớn; chịu ảnh hưởng của 16 đợt Không khí lạnh (trong đó có 10 đợt Gió mùa Đông Bắc); 02 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, nắng nóng gay gắt; 36 trận lốc, mưa đá, sét, mưa lớn (đặc biệt là các đợt mưa lớn hoàn lưu bão số 3, số 4, mưa lớn ngày 30/9) trên địa bàn tỉnh. Thiên tai trong năm 2024 đã tác động lớn đến dân sinh, kinh tế xã hội; ảnh hưởng lớn đến người dân, sản xuất nông lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nề. Cụ thể, đã làm chết: 07 người, bị thương 02 người, 74 nhà bị sập, thiệt hại trên 70%; 2.005 nhà tốc mái, hư hỏng; 201 nhà bị di dời khẩn cấp; gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông lâm nghiệp và các công trình hạ tầng,…; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 486,464 tỷ đồng (trong đó thiệt hại do lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ: 184,037 tỷ đồng; mưa lớn hoàn lưu bão số 3, số 4, mưa lớn ngày 30/9: 302,427 tỷ đồng). Ngoài ra, năm 2024 trên vùng biển tỉnh Nghệ An đã đã xảy ra 31 vụ tai nạn, trong đó: 02 vụ cháy tàu; 02 vụ chìm tàu trên biển; 08 vụ tai nạn trên biển; 05 vụ tàu bị hỏng máy trên biển; 02 vụ tàu bị mắc cạn; 08 vụ tai nạn đuối nước; 02 vụ tử vong trên biển; 01 vụ thuyền viên rơi xuống biển mất tích; 01 vụ phát hiện thi thể trôi dạt trên biển. Làm chết 15 người, mất tích 01 người, bị thương 08 người, chìm 06 tàu cá, cháy 02 phương tiện; 13 phương tiện bị hư hỏng.

          Đây là những con số được Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh báo cáo tại Hội nghị. Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp khó lường và có thể xẩy ra bất cứ lúc nào trên địa bàn, đặt ra thách thức rất lớn cho tỉnh Nghệ An.

Anh-tin-bai

Toàn cảnh Hội nghị

          Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cấp ủy chính quyền các cấp đã hết sức quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả. Công tác phòng chống thiên tai đã được triển khai quyết liệt và đồng bộ ở cả ba khâu: phòng ngừa - ứng phó - khắc phục. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp được kiện toàn, các phương án phòng, chống được xây dựng đầy đủ từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỉnh đã đầu tư gần 1,5 tỷ đồng cho thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn và 449 tỷ đồng cho các hạng mục hạ tầng phòng, chống thiên tai.

Nghệ An cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ như viễn thám, tự động hóa, công nghệ số để theo dõi, dự báo và điều hành công tác phòng chống thiên tai. Công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng được chú trọng, nhất là tại các xã có nguy cơ cao, qua các lớp tập huấn, diễn tập, ứng dụng phần mềm cảnh báo thiên tai...

Đặc biệt, phương châm “4 tại chỗ” được triển khai nghiêm túc, giúp địa phương chủ động ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại. Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thành lập ở tất cả 412 xã, phường, thị trấn với gần 30.000 thành viên, được tập huấn chuyên sâu.

Anh-tin-bai

Các đại biểu, khách mời tham gia Hội nghị

Trong ứng phó, các đơn vị quân đội, công an, biên phòng, y tế… đã vào cuộc quyết liệt. Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và phương tiện đã được huy động cho công tác cứu hộ, cứu nạn. Việc kêu gọi tàu thuyền vào bờ, sơ tán dân (201 hộ) và điều tiết các hồ chứa thực hiện đúng quy trình giúp giảm thiểu thiệt hại đáng kể.

Sau thiên tai, công tác khắc phục hậu quả và tái thiết cũng được triển khai nhanh chóng. Tỉnh đã bố trí trên 121 tỷ đồng hỗ trợ tái định cư, phục hồi sản xuất và sửa chữa hạ tầng bị thiệt hại. Các chương trình an sinh, cứu trợ thông qua Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ đã phân bổ hàng chục tỷ đồng hỗ trợ người dân.

Anh-tin-bai

Các đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Hảo chủ trì thảo luận.

Tại hội nghị, đại diện các Sở, Ban, ngành, địa phương đã tập trung báo cáo, thảo luận công tác phòng, chống thiên tai năm 2024, các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Đồng chí Lê Đức Cương - Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Bộ tham gia tham luận tại Hội nghị đã đưa ra nhận định về xu hướng thời tiết trong thời gian tới.

Hiện tượng ENSO đang trong điều kiện La Nina, với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương thấp hơn 0,60C so với TBNN. Từ tháng 3 đến tháng 5/2025, ENSO có khả năng chuyển dần sang trạng thái trung tính với xác suất từ 60-70% và nhiều khả năng sẽ duy trì trạng thái trung tính trong những tháng còn lại của năm 2025.

Bão/ATNĐ và thời tiết nguy hiểm, từ nay đến tháng 4/2025, bão và ATNĐ ít có khả năng xuất hiện trên biển Đông. Từ tháng 5-6/2025 bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông ở mức xấp xỉ TBNN và có khả năng xuất hiện từ khoảng nửa cuối tháng 6/2025. Bão/ATNĐ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Nghệ An vào tháng 9-10.

Đồng chí Lê Đức Cương - Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Bộ tham luận tại Hội nghị

Không khí lạnh: Trong tháng 3/2025 hoạt động của không khí lạnh xấp xỉ Trung bình nhiều năm (TBNN) với trung tâm áp cao lạnh lục địa có xu hướng lệch ra phía Đông nên gây ra nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù. Từ tháng 4/2025 hoạt động của không khí lạnh suy giảm dần.

Mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt trong các thời kỳ chuyển mùa (tháng 4-5 và tháng 9-10/2025).

Nắng nóng có khả năng xuất hiện ở khu vực tỉnh Nghệ An từ tháng 4, và gia tăng cường độ trong tháng 5-7/2025. Cường độ nắng nóng có khả năng ít gay gắt và ít kéo dài như năm 2024.

Anh-tin-bai

Đồng chí Lê Đức Cương - Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Bộ tham luận tại Hội nghị

Khả năng tác động đến môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế-xã hội: Không khí lạnh có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển. Ngoài ra, hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá, đặc biệt trong thời kỳ chuyển mùa gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng ở khu vực. Trong các tháng nửa cuối năm 2024 đề phòng gió mạnh, sóng lớn trên biển do tác động của bão/ATNĐ

Tham gia tham luận tại Hội nghị về phía Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có đồng chí Thượng tá Đậu Đình Thành, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã làm rõ thêm một số nội dung về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên khu vực biên giới, vùng biển của tỉnh Nghệ An năm 2024.

Anh-tin-bai

Đồng chí Thượng tá Đậu Đình Thành, Phó Tham mưu trưởng BĐBP tham luận tại Hội nghị

Trong bài tham luận, đồng chí Đậu Đình Thành nhấn mạnh các giải pháp chủ động ứng phó thiên tai khu vực biên giới, vùng biển, giảm thiểu thiệt hại: Một là, thường xuyên theo dõi thời tiết, trực sẵn sàng, chuẩn bị đầy đủ theo phương châm "4 tại chỗ", chỉ huy quyết liệt, phát huy trách nhiệm và đoàn kết. Hai là, tăng cường dự báo, cảnh báo, tuyên truyền kiến thức phòng tránh lũ quét, sạt lở đất; rà soát, hoàn thiện phương án sơ tán chi tiết, đảm bảo "4 tại chỗ" khi thiên tai xảy ra. Ba là, tiếp tục phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức phòng ngừa, hướng dẫn ngư dân kỹ năng cứu nạn trên biển, kiểm tra chặt chẽ an toàn phương tiện. Bốn là, đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật về PCTT, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Anh-tin-bai

Đồng chí Hoàng Quốc Việt trao đổi tại phần tham luận Hội nghị

Tại Hội nghị cũng đã diễn ra rất nhiều bài tham luận về công tác PCTT.

Đại diện Sở Xây dựng tham luận về công tác chỉ đạo, điều hành đảm bảo an toàn giao thông khi xảy ra thiên tai năm 2024. Bài học kinh nghiệm xử lý ngay các sự cố, đảm bảo nhanh nhất giao thông thông suốt, đáp ứng yêu cầu đi lại, giao thương của người dân được an toàn và đề nghị quan tâm bố trí kinh phí cho phép đầu tư thay thế sửa chữa các công trình tràn, các điểm sụt trượt taluy âm, taluy dương,… trên các tuyến đường tỉnh đã được đầu tư từ lâu hiện nay thường ngập, sạt lỡ khi có mưa lũ (thay thế 32 tràn, sửa chữa 72 vị trí sạt lỡ taluy âm, taluy dương,…); các địa phương khi cấp đất cho các công trình, dự án, các hộ dân hai bên các tuyến đường trừ một phần diện tích trước và sau hạ lưu các công trình cầu, cống, cửa xả rãnh thoát nước,… để đảm bảo thoát nước tránh ngập. 

Anh-tin-bai

Đồng chí Vương Đình Nhuận – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tham luận tại Hội nghị

Đại diện Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ tham luận về công tác vận hành hồ chứa thủy điện Bản Vẽ cấp nước chống hạn, cắt và giảm lũ cho hạ du năm 2024. Kiến nghị, đề xuất các giải pháp đảm bảo nguồn nước, đảm bảo an toàn cho hạ du năm 2025.

Anh-tin-bai

Đồng chí Hoàng Văn Ngọc - Phó Giám đốc công ty Thủy điện Bản Vẽ tham luận tại Hội nghị.

Đại diện UBND thành phố Vinh tham luận về công tác PCTT - TKCN năm 2024. Những khó khăn, thuận lợi và bài học và kinh nghiệm rút ra từ công tác chỉ đạo, điều hành đảm bảo tiêu thoát nước khu vực đô thị do mưa lớn, ngập lụt gây ra năm 2024.

Anh-tin-bai

Đồng chí Trần Quang Lâm – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh tham luận tại Hội nghị

Sau khi giải đáp các ý kiến đề xuất và khó khăn vướng mắc, Hội nghị tổ chức công bố Quyết định khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Theo đó 05 tập thể và 05 cá nhân đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Anh-tin-bai

Đồng Chí Nguyễn Văn Đệ trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT-TKCN 2024

             Kết thúc Hội nghị, thay mặt UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Đệ kết luận một số nội dung tại Hội nghị Tổng kết công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Anh-tin-bai

Đồng Chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh, các ngành, các địa phương cần phải thường xuyên kiểm tra, rà soát lại hệ thống hạ tầng phòng chống thiên tai, hồ đập ách yếu. Cần chấp hành nghiêm túc các văn bản của Chính phủ và của tỉnh, nhằm ứng phó kịp thời với diễn biến bất thường của thiên tai. Đồng thời chủ động phương án 4 tại chỗ với phương châm "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính", quyết không để xảy ra tình huống bất ngờ, dù ngay cả trong tình huống xấu nhất... Các đơn vị tiếp tục xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, ứng dụng các công nghệ hiện đại để dự báo thời tiết, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai. Tập trung tối đa các nguồn lực để xây dựng hạ tầng cơ sở, nâng cao khả năng chống chịu khi thiên tai xảy ra. Đồng thời, tăng cường công tác diễn tập, tập huấn, không bị động, bất ngờ, cần sẵn sàng phương án vị trí, phương tiện, lực lượng để triển khai sơ tán dân khi có sự cố. Đầu tư công nghệ trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai để có thể quan sát, chỉ đạo xử lý khi địa bàn bị chia cắt. Tiến hành rà soát những vị trí, khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai để chủ động trong công tác phòng ngừa, sơ tán dân. Báo Nghệ An và Đài Phát thanh truyền hình Nghệ An bám địa bàn, đưa tin tức kịp thời để cảnh báo, phối hợp với các ban, ngành, địa phương tuyên truyền cho nhân dân chủ động ứng phó thiên tai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Trung Bộ cũng như các đơn vị liên quan cần nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo tình hình thiên tai để các địa phương, đơn vị chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai. Các nhà máy thủy điện cần phối hợp tốt với các địa phương, ban, ngành liên quan trong quá trình thực hiện vận hành, điều tiết theo quy trình, hạn chế thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra...

Tin bài và ảnh: Nguyễn Thế Cương

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1