image banner
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An làm việc cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế nông lâm nghiệp huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đến năm 2030

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 2561/QĐ-BNN-LN ngày 26/7/2024 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đến năm 2030.

Chiều ngày 30/7/2024, tại Bộ Nông nghiệp, đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng bộ Nông nghiệp cùng các Cục, các Vụ trực thuộc bộ tham gia, tổ chức buổi làm việc để triển khai kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế nông lâm nghiệp huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An đến năm 2030 theo Quyết định số 2561/QĐ-BNN-LN ngày 26/7/2024, với 6 mục tiêu nội dung, giải pháp, 40 nội dung chi tiết triển khai kế hoạch..

Dự buổi làm việc về phía tỉnh Nghệ An,  có đồng chí Phùng Thành Vinh Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh và các đồng chí cùng đi. Cùng tham gia làm việc về phía đoàn công tác huyện Kỳ Sơn có đồng chí Vi Hoè - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện làm Trưởng đoàn, cùng đi trong đoàn có đồng chí Nguyễn Viết Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, Trưởng phòng Tài chính- Kế hoạch, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện, Trưởng phòng Nông nghiệp, Trưởng Ban QLDA huyện.

Anh-tin-bai

Các đồng chí tham gia tại buổi làm việc chụp ảnh lưu niệm (ảnh: Văn Long)

Quyết định số 2561/QĐ-BNN-LN phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đến năm 2030 nêu rõ các nội dung cơ bản được phê duyệt bao gồm:

Quan điểm, định hướng hỗ trợ:

a) Phát triển rừng bền vững, nâng cao giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn thông qua các hoạt động hỗ trợ: phục hồi rừng; nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng; phát triển lâm sản ngoài gỗ và dược liệu dưới tán rừng; nghiên cứu, hỗ trợ các cơ sở cung cấp giống cây trồng có chất lượng tốt, năng suất, giá trị cao.

b) Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững theo hướng liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ, phát triển sản phẩm OCOP trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương; hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa chủ lực, đặc sản của địa phương.

c) Thử nghiệm và nhân rộng một số mô hình nuôi trồng, chuyên canh, thâm canh thủy sản có năng suất, giá trị, hiệu quả kinh tế cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn sinh thủy của địa phương.

d) Thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn, du lịch mạo hiểm, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống, tri thức bản địa của cộng đồng trên địa bàn.

đ) Phát huy tiềm năng, lợi thế và tăng cường huy động các nguồn đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, phục vụ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với quy hoạch, bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư và phòng chống thiên tai; tạo môi trường thuận lợi để thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư, đổi mới quy trình sản xuất, áp dụng tiến bộ công nghệ vào phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, dịch vụ và du lịch.

Mục tiêu: Hỗ trợ các hoạt động thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tri thức bản địa của cộng đồng các dân tộc; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

Về kinh tế: Hỗ trợ phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp thông qua xây dựng được các mô hình bảo vệ và phát triển rừng, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản hiệu quả và bền vững; phát triển du lịch gắn với ngành nghề nông thôn và văn hoá cộng đồng, góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy, phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.

Về xã hội: Góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống vật chất và tinh thần của người dân; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tri thức bản địa của cộng đồng các dân tộc.

Về môi trường: Góp phần tăng cường quản lý bảo vệ, phát triển rừng bền vững, nâng tỷ lệ che phủ rừng của huyện Kỳ Sơn đến năm 2030 đạt 60%, góp phần bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát khí thải nhà kính, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai.

Các nhiệm vụ chính:

- Phát triển rừng bền vững, nâng cao giá trị đa dụng của rừng: Thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững. Hỗ trợ phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng, thúc đẩy khai thác, sử dụng, chế biến và thương mại lâm sản. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.

-Phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững: Hỗ trợ và thúc đẩy nhân rộng mô hình thử nghiệm trồng một số loài cây ăn quả ôn đới gắn với phát triển du lịch, kinh tế địa phương. Hỗ trợ khai thác, phát triển một số nguồn gen cây trồng bản địa. Hỗ trợ phát triển, nhân rộng mô hình trồng một số cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.

-Phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng chất lượng, an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường và bền vững.

-Phát triển thủy sản có năng suất cao, chất lượng tốt và bền vững.

-Phát triển mô hình kinh tế hợp tác, phát triển làng nghề, du lịch gắn với ngành nghề nông thôn và các giá trị văn hoá cộng đồng.

-Ổn định dân cư, phòng chống thiên tai, xây dựng nông thôn mới.

Về nguồn kinh phí thực hiện:

1. Thực hiện đa dạng nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Kế hoạch, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo quy định, bao gồm: ngân sách nhà nước; lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, kế hoạch, dự án khác; thu từ dịch vụ môi trường rừng và cho thuê môi trường rừng; các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn vốn khác từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.

2. Căn cứ các nhiệm vụ, hoạt động được giao trong Kế hoạch, các đơn vị liên quan và địa phương xây dựng dự án, kế hoạch hàng năm và lập đề cương nhiệm vụ, dự toán chi tiết, xác định nhu cầu kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công và các quy định hiện hành.

3. Địa phương có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng dự án đưa vào danh mục dự án đầu tư công, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Kế hoạch tại địa phương; ngân sách Trung ương hỗ trợ theo đúng nguyên tắc, nội dung hỗ trợ, trên cơ sở các hoạt động, nhiệm vụ được cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án, kế hoạch đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nội dung Quyết định số 2561/QĐ-BNN-LN ngày 26/7/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Tải về

Tin bài: Nguyễn Thế Cương

 

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1