image banner
Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên

Nhằm ứng phó với diến biến của thiên tai trong năm 2024, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh cho rằng, cần xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tình hình thiên tai, thiệt hại và tác động đến dân sinh, kinh tế, xã hội.

 Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, năm 2023 là một năm thiên tai diễn biến phức tạp, đã xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, sét, rét hại, không khí lạnh, nắng nóng, mưa lớn; chịu ảnh hưởng của 22 đợt không khí lạnh (trong đó là 16 đợt Gió mùa Đông Bắc); 03 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, nắng nóng gay gắt; 36 trận lốc, mưa đá, sét, mưa lớn cục bộ tại nhiều xã huyện trên địa bàn tỉnh; 01 đợt mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

 Về không khí lạnh: Chịu ảnh hưởng của 22 đợt không khí lạnh (trong đó có 16 đợt gió mùa Đông Bắc). Đáng chú ý là đợt không khí lạnh tăng cường ngày 25/01 có cường độ mạnh tràn xuống phía nam, nên từ ngày 25/01, có mưa, mưa nhỏ nhiều nơi. Gió đông bắc cấp 3, vùng ven biển có nơi cấp 4 - cấp 5. Nhiệt độ không khí trung bình ngày tiếp tục giảm: 3 ÷ 50C và phổ biến: 13.0 ÷ 15.00C. Ngoài khơi gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. Trời rét đậm, có nơi rét hại từ ngày 25-31/01/2023. Nhiệt độ không khí thấp nhất phổ biến ở trung du miền núi 6-80C; đồng bằng ven biển 8.5-10.50C (Ngày 30 và 31/01), nhiệt độ thấp nhất khu vực tại Quỳ Châu: 4.90C.

 Về rét hại: 03 đợt rét hại từ ngày 16 đến ngày 19/01/2023; từ ngày 28 đến ngày 30/01/2023 và từ ngày 20 đến ngày 23/12/2023, cụ thể: Đợt 1: Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc mạnh nên từ ngày 16-19/01, nhiệt độ thấp nhất từ 8-110C, vùng núi cao có nơi dưới 70C. Đợt 2: Do ảnh hưởng của đợt KKL tăng cường mạnh nên từ ngày 25-31/01 có nhiệt độ không khí thấp nhất phổ biến ở trung du miền núi 6 - 80C; đồng bằng ven biển 8.5 - 10.50C, nhiệt độ thấp nhất khu vực tại Quỳ Châu: 4.90C. Đợt 3: Do ảnh hưởng của đợt KKL tăng cường mạnh nên từ ngày 20-23/01có nhiệt độ không khí thấp nhất phổ biến ở đồng bằng ven biển 9.0 – 12.00C, trung du miền núi 6 – 90C, vùng núi cao có nơi thấp hơn. Nhiệt độ thấp nhất khu vực tại Quỳ Châu: 6.00C ngày 23/12/2023.

 Về lốc, sét: Xảy ra 36 đợt lốc, mưa lớn, mưa đá, sét, chủ yếu tập trung trong thời kỳ tháng 3, 4, 5, 8.

 Về nắng nóng: Từ đầu năm đến nay, tỉnh Nghệ An xảy ra 11 đợt nắng nóng, nắng nóng gay gắt: đợt 1 từ ngày 21/3 đến ngày 24/3; đợt 2 từ ngày 04/4 đến ngày 06/4; đợt 3 từ ngày 18/4 đến ngày 24/4; đợt 4 từ ngày 04/5 đến ngày 07/5; đợt 5 từ ngày từ 16/5 đến ngày 24/5; đợt 6 từ ngày 29/5 đến ngày 04/9; đợt 7 từ ngày 10 đến 23/6; đợt 8 từ 30/6 đến 06/7; đợt 9 từ 23 đến 28/7; đợt 10 từ 15 đến 18/8 và đợt 11 từ 25 đến 27/8.

 Đáng chú ý là đợt nắng nóng ngày 04-07/5, nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 40-43 0C, có nơi cao hơn 44 0C. Nhiều nơi đã vượt số liệu lịch sử như: Tương Dương 44.2 0C, ngày 07/5, cao hơn SLLS: 1.4 độ C (SLLS: 42.80C ngày 22/4/2019) và cao hơn số liệu lịch sử tháng 5: 1.50C. Đây cũng là nhiệt độ cao nhất đo được từ trước đến nay tại Việt Nam; Quỳ Châu: 43.20C ngày 06/5, cao hơn SLLS 1.70C (SLLS: 41.50C, ngày 29/5/2015); Tây Hiếu: 43.30C ngày 06/5, cao hơn SLLS: 0.30C (SLLS:43.00C ngày 23/4/2007); Đô Lương: 43.20C ngày 06/5, cao hơn SLLS: 1.60C (SLLS:41.60C ngày 19/5/2019).

 Về bão và ATNĐ: Từ đầu năm đến nay, có 3 ATNĐ  hoạt động trên biển Đông. Nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền tỉnh Nghệ An.

 Về mưa lớn, lũ: Từ đầu năm đến nay, tỉnh Nghệ An xảy ra 01 đợt mưa lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh từ ngày 25/9 đến 29/9/2023 (Đặc biệt trong đợt này, mưa lớn đã gây ra ngập lụt diện rộng trên địa bàn huyện Quỳ Châu, Quế Phong). Tổng lượng mưa từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh phổ biến 1.400-1.700 mm, riêng tại TP Vinh 2.193 mm. Nhìn chung thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ 80-120mm (TBNN: 1.500 – 2.000mm), riêng tại TP Vinh lại nhiều hơn TBNN 152,2 mm, Quỳnh Lưu ít hơn so với TBNN 273,6 mm, Tây Hiếu ít hơn so với TBNN 115 mm.

Anh-tin-bai

Lũ lụt xảy ra tại huyện Quỳ Châu năm 2023 (Ảnh; ST)

 Thiên tai trong năm 2023 đã tác động lớn đến dân sinh, kinh tế xã hội; ảnh hưởng lớn đến người dân, sản xuất nông lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng nề. Cụ thể, đã làm chết: 03 người, bị thương 05 người, 39 nhà bị sập, thiệt hại trên 70%; 793 nhà tốc mái, hư hỏng; 15 nhà bị di dời khẩn cấp; gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông lâm nghiệp và các công trình hạ tầng,…; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 667,049 tỷ đồng (trong đó thiệt hại do lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ: 68,783 tỷ đồng; mưa lớn từ 25/9 đến 30/9: 598,266 tỷ đồng).

Tai nạn sự cố trên biển: Năm 2023 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đã xảy ra 45 vụ tai nạn, trong đó: 04 vụ cháy tàu; 01 vụ thuyền viên bị rơi xuống biển mất tích; 09 vụ chìm tàu; 07 vụ tàu bị hỏng trên biển; 01 vụ tàu hàng bị hỏng máy; 03 vụ thuyền viên bị đau trên biển; 01 vụ thuyền viên bị tử trên biển; 01 vụ thuyền viên bị rơi xuống biển; 03 vụ thuyền viên bị tai nạn lao động trên biển; 04 vụ tai nạn trên biển; 03 vụ tàu bị mắc cạn; 08 vụ tai nạn đuối nước. Làm chết 16 người, mất tích 02 người, bị thương 07 nguời, chìm 06 tàu cá, cháy 10 phương tiện; 11 phương tiện bị hư hỏng.

Nhiều kết quả nổi bật trong công tác phòng ngừa thiên tai

Trong năm 2023, công tác phòng ngừa thiên tai đã được triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộng. Cụ thể, đã hoàn thiện ban hành Quyết định số 1382/QĐ-UBND ngày 20/5/2023 về việc phê duyệt Kế hoạch Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh đến năm 2025; ban hành quyết định số 1467/QĐ-UBND ngày 25/5/2023 về việc ban hành phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai văn bản quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Nghị định số 66/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều,…

Đáng chú ý, về công tác dự báo, cảnh báo, trong năm qua, đã thực hiện dự báo thời tiết, thuỷ văn chi tiết đến các huyện, thị trên cả nước; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. 

 Về chiến lược, kế hoạch và phương án ứng phó thiên tai, đến nay đã có 21/21 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025; 21/21 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành phương án ứng phó thiên tai.

 Cùng với đó, khả năng chống chịu của công trình hạ tầng, nhà ở an toàn và các hoạt động phòng ngừa vùng thường xuyên xảy ra thiên tai đã được nâng cao. Trong đó, Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh đã quan tâm bố trí tăng kinh phí nâng cấp, sửa chữa, nhất là đối với hệ thống đê điều, hồ đập góp phần đảm bảo an toàn cho hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự cố. Theo báo cáo, Năm 2023, từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh bố trí được 80,489 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, tu bổ, duy tu bảo dưỡng, nâng cấp đê điều, hồ đập và công trình phòng, chống thiên tai khác (trong đó: 2,0 tỷ đồng đầu tư theo lệnh khẩn cấp xây dựng cầu Khe Chui và đường hai đầu cầu tại xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ; 17,0 tỷ đồng duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều thuộc hệ thống đê điều do địa phương quản lý; 30,5 tỷ đồng hỗ trợ sửa chữa các công trình ách yếu trên địa bàn tỉnh; 25,00 tỷ đồng bảo dưỡng các công trình bão lụt; 2,0 tỷ đồng xây dựng điếm canh đê và làm kho vật tư dự trữ phòng chống lụt bão tại thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương (giai đoạn 1); 3,989 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp bara Nghi Quang, hệ thống thuỷ lợi Nam.

Đặc biệt, trong năm 2023, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở tiếp tục được tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động. Tính đến cuối năm 2023, đã có 460/460 xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai với tổng số 29.216 thành viên. Thành phần nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, ngoài ra còn có thành viên của các tổ chức đoàn thể, xã hội như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, ...  phát huy và đóng vai trò rất lớn trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó kịp thời, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là thiệt hại về người.

 Trong năm 2023, Ban Chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS tỉnh đã phối hợp, tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập phương án ứng phó với thiên tai ở các cấp; Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai.Cụ thể, tại các địa phương đã tổ chức tập huấn cho 14 lớp với tổng số 864 học viên là thành viên đội lực lượng xung kích cấp xã, các thôn, bản của các huyện, thị xã như: Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, thị xã Thái Hòa. Tỉnh đoàn mở hơn 60 lớp tập huấn, đào tạo, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn Nghệ An cho 2.500 đối tượng cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên ở cơ sở. Công An tỉnh tổ chức 156 lớp đào tạo với hơn 8.640 lượt người tham gia để nâng cao nghiệp vụ về PCCC, cứu nạn, cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn, kết hợp lồng ghép ph biến kiến thức về phòng, chống thiên tai, kỹ năng ứng phó thiên tai. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao trình độ điều khiển phương tiện thủy nội địa; nghiệp vụ công tác phòng, chống cháy nổ, cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 cho cán bộ SQ, QNCN lái xuồng kiêm nhiệm của Ban CHQS 21 huyện, thành phố, thị xã. Tổng quân số tham gia 90 đồng chí. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh tổ chức 01 lớp huấn luyện nghiệp vụ TKCN và khai thác sử dụng tàu CN09 có 51 CBCS tham gia. Cử 03 đồng chi tham gia tập huấn chuyên ngành tàu toàn quốc.

Anh-tin-bai

Ảnh: Hội chữ thập đỏ tập huấn cho người dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai (Ảnh: HCTĐ tỉnh Nghệ An)

Ngoài ra, công tác nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương đã tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự và PCLB-TKCN năm 2023 với 2.245 người tham gia ở các địa phương: Nam Đàn, Nghi Lộc, thành phố Vinh.

 Chủ động ứng phó với thiên tai trong năm 2023

Theo dự báo, hiện tượng El Nino xuất hiện từ giữa năm 2023 và sẽ còn duy trì đến tháng 4/2024 với xác suất trên 90%, sau El Nino suy yếu và có khoảng 60% cơ hội chuyển sang pha trung tính trong giai đoạn từ tháng 5-7/2024 và khoảng 50-60% khả năng chuyển sang La Nina vào cuối năm 2024. Có thể hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão. Đồng thời báo/ áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có thể hình thành nhiều hơn, dự báo có từ 11-13 cơn bão".

Cùng với đó, năm 2024 được dự báo tổng lượng mưa sẽ thấp hơn so với TBNN, cùng với sự xuất hiện sự chuyển pha ENSO do vậy thời tiết khí hậu thường có những biến động mạnh trên phạm vi toàn quốc và khu vực Biển Đông, đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc vào cuối mùa.

Cảnh báo cao điểm khô hạn, nguy cơ thiếu nước trong nửa đầu năm và được cải thiện khi mưa vào cuối tháng 5/2024. Trong đó nguy cơ thiếu nước tập trung ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Nhằm ứng phó với diễn biến của thiên tai trong thời gian tới, cần tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cũng như người dân, cộng đồng; xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Tổ chức thực hiện đồng bộ các nội dung Chiến lược, Kế hoạch, Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia và Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030. Đặc biệt, cần lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành, địa phương, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung, tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Triển khai tốt việc bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc đầu tư xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, sử dụng công trình phòng, chống thiên tai và các công trình cơ sở hạ tầng. Hoàn thiện quy hoạch phòng, chống thiên tai, thủy lợi, thủy điện nhằm tăng cường năng lực cắt lũ cho các hồ chứa, đảm bảo nguồn nước cho tưới tiêu; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai. Phát triển diện tích, nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, có giải pháp kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra ngay từ trước mùa mưa lũ.  

Cùng với các giải pháp trên, cần triển khai xây dựng cộng đồng an toàn; gắn xây dựng cộng đồng an toàn với xây dựng nông thôn mới. Chú trọng xây dựng, củng cố nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở.

Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai. Trong đó, nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra gây thiệt hại lớn như: bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất. Hoàn thành công tác xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai.

Đặc biệt, tăng cường rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống thiên tai. Trong đó, tuyên truyền, phổ biến các quy định, kiến thức liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; chú trọng vai trò, sự vào cuộc của cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà mạng nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tin bài: Nguyễn Thế Cương

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1