I. Chức năng
Tham mưu, giúp Chi cục trưởng chỉ đạo công tác quản lý đê điều trong phạm vi quản lý nhà nước của Chi cục theo quy định của pháp luật.
II. Nguyên tắc hoạt động
1. Thực hiện theo sự phân công chỉ đạo của Chi cục trưởng.
2. Thực hiện Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản pháp luật về các hoạt động có liên quan đến đê điều.
III. Nhiệm vụ
Tham mưu lãnh đạo Chi cục thực hiện 17 nhiệm vụ chính sau:
1. Tổ chức thực hiện công tác điều tra, thống kê và quản lý cơ sở dữ liệu về lĩnh vực đê điều trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
2. Tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa, bảo vệ, sử dụng đê điều và hộ đê; kế hoạch, giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc phạm vi quản lý;
3. Trực tiếp quản lý đê Trung ương, tham mưu cho Chi cục trưởng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đê cấp IV, cấp V (do các địa phương quản lý). Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ quản lý đê điều và phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng quản lý đê nhân dân;
4. Cập nhật mực nước thực đo tại Trạm thủy văn Nam Đàn, thực hiện công tác hộ đê, xử lý kỹ thuật các sự cố đê điều, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan đề xuất phương án phòng, tránh, xử lý, khắc phục hậu quả sự cố đê điều. Đề xuất các giải pháp huy động các nguồn lực để cứu hộ và bảo vệ đê điều, an toàn cho dân cư khi sạt lở đê, bờ sông;
5. Tham mưu cho Chi cục trưởng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hoạt động có cấp phép liên quan đến đê điều theo quy định; hướng dẫn các địa phương tổ chức lực lượng quản lý đê nhân dân;
6. Tổ chức cắm mốc chỉ giới trên thực địa và tham mưu xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện việc di dời công trình, nhà ở liên quan tới phạm vi bảo vệ công trình đê điều và bãi sông theo quy định;
7. Hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc xây dựng, khai thác, bảo vệ đê điều, bảo vệ công trình phòng, chống lụt, bão; xây dựng và trình duyệt phương án, biện pháp và tổ chức thực hiện việc phòng, chống lụt, bão, sạt lở ven sông, ven biển trên địa bàn;
8. Theo dõi mọi nguồn vốn đầu tư, tu bổ, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa công trình đê điều và phòng, chống lụt, bão trong phạm vi quản lý của Chi cục và cập nhật việc thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
9. Quản lý, kiểm tra việc sử dụng vật tư dự trữ, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống lụt, bão đối với các tuyến đê Trung ương;
10. Tổ chức đánh giá hiện trạng đê điều;
11. Thống kê các vụ vi phạm Luật Đê điều; phối hợp với phòng Thanh tra, Pháp chế trong việc tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý các vụ vi phạm;
12. Đôn đốc, giám sát lực lượng chuyên trách quản lý đê điều trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quy định tại Điều 38; Điều 39 và Điều 40 của Luật Đê điều và Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 113/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;
13. Tiếp thu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến kết hợp với các biện pháp truyền thống vào việc xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa, bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi;
14. Khảo sát và thiết kế kỹ thuật các hạng mục về đê, kè, cống và các công trình: Thủy lợi, cơ sở hạ tầng liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai khi được cấp có thẩm quyền giao;
15. Tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai theo quy định;
16. Tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An;
17. Phối hợp cùng Phòng Thanh tra, Pháp chế trong việc thanh tra các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực đê điều;
Ngoài các nhiệm vụ đã nêu ở trên, phòng Quản lý đê điều còn thực hiện những nhiệm vụ khác khi được lãnh đạo Chi cục giao./.