image banner
Bão số 4 (NORU): Cuộc họp lúc 0 giờ của Phó Thủ tướng và nhiều Chủ tịch tỉnh
 "Chỉ còn vài tiếng nữa là bão số 4 sẽ đổ bộ, cách đất liền chỉ khoảng 40 - 50 km. Chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là nhiệm vụ, cứu người dân gặp nguy hiểm luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu" - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Lúc 0 giờ ngày 28-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 - đã chủ trì họp trực tuyến với các địa phương để nắm bắt thông tin, diễn biến và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru).

Bão số 4 (Noru): Cuộc họp lúc 0 giờ của Phó Thủ tướng và nhiều Chủ tịch tỉnh - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4, lúc 0 giờ ngày 28-9.

Cuộc họp trực tuyến kết nối 8 điểm cầu tại Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo trực tuyến từ điểm cầu Thừa Thiên - Huế.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết hiện Đà Nẵng mưa ít, gió cấp 7 giật cấp 8. Đáng chú ý còn khoảng 60 ngư dân đang ở âu thuyền Thọ Quang, ở dưới thuyền chưa lên bờ rất nguy hiểm. Dù từ sáng đến nay, lực lượng bộ đội biên phòng, công an đã tích cực nhắc nhở, vận động.

"60 người này hiện chưa vào, có dấu hiệu trốn tránh. Lên bờ xong thì lập tức quay lại thuyền. Bộ đội Biên phòng đã cử 4 phương tiện bằng xuồng cùng 45 chiến sĩ để xử lý khi có sự cố xấu xảy ra. Ngoài ra, lực lượng Công an chuẩn bị các xe chữa cháy với 35 cán bộ, tổ cấp cứu lưu động túc trực để sẵn sàng ứng phó" - ông Lê Trung Chinh nêu phương án.

Bão số 4 (Noru): Cuộc họp lúc 0 giờ của Phó Thủ tướng và nhiều Chủ tịch tỉnh - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan - Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo tại cuộc họp ở điểm cầu Đà Nẵng

Theo ông Chinh, bước đầu, TP Đà Nẵng ghi nhận có 30 cây cối ven biển, tuyến phố bị ngã đổ, một số bảng hiệu gãy đổ nằm la liệt do gió lớn. Từ đây đến khi bão diễn ra, Ban Chỉ huy trực theo dõi, có chỉ đạo cơ sở nắm bắt tình hình thiệt hại và luôn túc trực để sẵn sàng ứng phó với bão khi đổ bộ lên đất liền, đặc biệt là tại các điểm trọng yếu.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh - cho biết huyện đảo Lý Sơn là đảo tiền tiêu nên cách đây 5 phút, gió cấp 10, giật 12, sóng biển lớn và hiện người dân đã di dời đến nơi an toàn. Trong khi đó lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương này đã sẵn sàng ứng phó với bão đổ bộ, chưa có vấn đề gì phức tạp.

Riêng Quảng Trị, dù bão Noru chưa đổ bộ những bước đầu đã gây thiệt hại lớn, khi lốc xoáy xảy ra tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) hồi 15 giờ 30 (ngày 27-9) khiến hàng quán ven biển và 120 nhà bị tốc mái, sập tường (có 2 ngôi nhà sập hoàn toàn) và 4 người bị thương. Hiện đảo Cồn Cỏ gió cấp 8, giật cấp 10; đảo Cồn Cỏ đã thực hiện mở 2 hầm quân sự để chiến sĩ và người dân vào trú ẩn, khoảng 400 người.

Bão số 4 (Noru): Cuộc họp lúc 0 giờ của Phó Thủ tướng và nhiều Chủ tịch tỉnh - Ảnh 3.

Cuộc họp trực tuyến diễn ra tại nhiều điểm cầu của các tỉnh miền Trung

"Cần phải chú trọng, đảm bảo an toàn cho người dân và tất cả các lực lượng cứu hộ, cứu người dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng lưu ý nếu phát sinh những điều bất thường, tình huống xấu thì các địa phương phải báo cáo về Ban Chỉ đạo tiền phương lập tức. Trước những biến cố lớn, địa phương chưa làm chủ được tình hình thì phải thông tin, trên cơ sở đó sẽ điều động các lực lượng vào hỗ trợ.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/bao-so-4-noru-cuoc-hop-luc-0-gio-cua-pho-thu-tuong-va-nhieu-chu-tich-tinh-20220928011735283.htm

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1