Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc và các bộ, ngành và đơn vị liên quan với gần 100 điểm cầu
Chiều ngày 30-12, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác PCTT - TKCN năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc và các bộ, ngành và đơn vị liên quan với gần 100 điểm cầu.
Tại điểm cầu Trung ương các đồng chí Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban Thường trực ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và đồng chí Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng tổng cục PCTT đồng chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu trung ương còn có các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và đại diện các bộ, ngành Trung ương.
Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương
Tại điểm cầu các địa phương có lãnh đạo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Về điểm cầu tại tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó trưởng ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng tham gia họi nghị còn có đồng chí Nguyễn Trường Thành - Chánh Văn phòng và đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Toàn cảnh các điểm cầu Hội nghị
Toản cảnh tại điểm cầu tỉnh Nghệ An
Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Đức Luận - Phó Chánh Văn phòng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết: Năm 2021, trên cả nước đã xảy ra 841 trận thiên tai với 18/22 loại hình; trong đó, có 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 11, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng liên tiếp 4 cơn bão và 6 đợt mưa lũ lớn diện rộng. Các loại hình thiên tai đã làm 108 người chết và mất tích, 95 người bị thương; Ước tính giá trị thiệt hại về kinh tế hơn 5.200 tỷ đồng…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Phạm Đức Luận báo cáo tại Hội nghị
Tuy nhiên, năm 2021 được đánh giá là một năm “mưa thuận gió hòa” với mức thiệt hại ít hơn nhiều so với năm 2020 và gần như thấp nhất từ trước tới nay. Năm 2020, tổng số người bị thiệt mạng và mất tích do thiên tai gây ra là 357 người, thiệt hại về kinh tế gấp gần 8 lần năm 2021 với 39.945 tỷ đồng.
Mặc dù chủ động triển khai ứng phó và các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát rủi ro với thiên tai, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ… nhưng Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng thừa nhận những tồn tại và hạn chế hiện nay như: Phương án ứng phó với một số loại hình thiên tai chưa sát với thực tế; Một số văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng còn lúng túng…
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các tỉnh: Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Đồng Tháp và các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 12 bài tham luận làm rõ kết quả đạt được; đồng thời, kiến nghị, đề xuất các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai trong những năm tới.
Ông Nguyễn Đức Quang - Phó Chánh văn phòng, Cục trưởng cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai báo cáo tham luận về vấn đề ứng phó điều hành PCTT với trách nhiệm là đơn vị tuyến đầu cấp trung ương tham mưu trực tiếp cho Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT
Bà Phạm Tuyết Nga - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế tham luận về vấn đề gia tăng cơ hội an toàn cho người nông dân nghèo
Ông Tăng Quốc Chính - Vụ trưởng Vụ kiểm soát an toàn thiên tai tham luận về bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh
Đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Nông nghiệp và PTNT tham luận về vấn đề xây dựng văn bản quy định pháp luật về hướng dẫn Luật, Nghị định
GS.TS Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi tham luận về vấn đề áp dụng KH - KT về phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ hậu quả thiên tai
GS.TS Nguyễn Tùng Phong - Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi tham luận tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định diễn biến thiên tai và dịch Covid-19 còn phức tạp trong năm 2022. Thứ trưởng đề nghị, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cần chuyên nghiệp hóa 3 nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; trong đó, tập trung rà soát, đề xuất, sửa đổi ngay những bất cập liên quan công tác đầu tư công trình phòng, chống thiên tai, tạo sinh kế cho người dân vùng thiên tai; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; Bên cạnh đó, các địa phương cần chú trọng xây dựng phương án PCTT cần chủ động bám sát với tình hình thực tế của địa phương nhằm giảm tổn thất nguồn lực cho xã hội …
Chỉ đạo kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho răng biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ngày càng biểu hiện rõ nhưng đây là câu chuyện toàn cầu, chúng ta không thể ứng phó thành công 100% với mọi tình huống, nhưng có thể giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất nếu chúng ta đi trước một bước. Các đơn vị chức năng hiện chỉ tập trung vào công tác ứng phó trước và trong thiên tai mà thiếu đi sự phối hợp để đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường sau mỗi đợt thiên tai xảy ra.
Bài và ảnh: Võ Đại Khoa
phòng Phòng chống thiên tai