Nguyên nhân gây lũ ống, lũ quét và ngập úng đầu tháng 10-2022 tại Nghệ An
Có nhiều nguyên nhân về những trận lũ quét ở Nghệ An đầu tháng 10 vừa qua: Mưa quá lớn, cấp tập vượt quá khả năng thẩm thấu của đất, song theo đánh giả của các chuyên gia thì nguyên nhân chính vẫn là do diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp.
Ở Việt Nam hiện có hai loại rừng là rừng trồng và rừng tự nhiên. Rừng nguyên sinh là một khái niệm trong rừng tự nhiên, là loại rừng chưa có tác động của con người, nhưng thực chất thì ở Việt Nam chỗ nào cũng bị con người tác động rồi, dù ít hay nhiều. Nguyên nhân của sạt lở đất, lũ quét… thời gian qua có nhiều, trong đó không thể bỏ qua yếu tố mất rừng tự nhiên.
Theo một nghiên cứu khoa học cho thấy: Nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi khi mưa xuống có tới 95% chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ, như lũ ống, lũ quét… Nhưng có rừng tự nhiên thì 90% nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt nữa mà thấm sâu dưới đất. Nếu một cơn mưa bình thường kéo dài 1-2 giờ với lượng mưa khoảng 100mm thì không có nước chảy tràn trên mặt, hết cơn mưa là mặt đất không có nước mà thẩm thấu trở thành nước ngầm, không còn khả năng gây lũ ống, lũ quét.
Rừng tự nhiên có khả năng chống lũ, giữ nước tốt như vậy là vì rừng có nhiều tầng, tán, nhiều loại cây khác nhau, có thảm mục, hệ rễ sâu 20-30m (chiều cao cây như nào rễ sâu như thế, tán rộng bao nhiêu thì rễ cũng mọc rộng bấy nhiêu). Các cây đan lại với nhau như một cái lưới. Với kết cấu đó thì không thể tạo ra lũ được.
Rừng trồng, chỉ có tác dụng bằng 1/2 đến 1/5 so với rừng tự nhiên tùy thuộc trồng loại cây gì, cây đó đã trưởng thành chưa, nhưng tính trung bình thì nó có thể ngăn lũ được khoảng 50%. Còn đối với đất trống, đồi núi trọc, 80-90 lượng mưa xuống là chảy tràn trên mặt vì nó không có lực cản nào để thấm sâu xuống đất. Không có lớp thảm mục để giữ nước, tạo thành dòng chảy lớn, gây nên lũ quét. Cây cối có tác dụng phân hóa, điều khiển nước là như vậy.
Một điểm sạt lở trên địa bàn huyện Nghi Lộc
Trao đổi tại một cuộc hội thảo chuyên đề do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết: quan sát các điểm sạt lở, lũ quét thì thấy đều là đất trơ trọi, không có thảm thực vật. Khi mưa, nước sẽ dần thấm vào, lớp đất ấy đã bị tác động từ lâu, nắng lên, đất sét đã bị phong hóa, sau đó, trọng lượng tăng do mưa dồn xuống, theo nguyên tắc trên độ dốc sẽ trượt khi lực đẩy xuống lớn hơn lực giữ.
“Lực giữ ở đây đã kém do đất sét bị phong hóa vì phá rừng, mất thảm thực vật. Xây thủy điện, phá rừng đã làm cho đất bị phong hóa, từ phong hóa làm thay đổi kết cấu của đất, lực giữ giảm đi, chưa kể mưa dồn mạnh hơn vì không còn dòng chảy mặt, trọng lượng tăng lên, lực giữ kém nên mới xảy ra sạt lở...”
Hoàn lưu của cơn bão số 4 vào những ngày đầu tháng 10 đã gây ra ngập úng, lũ ống, lũ quét tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại rất lớn tới tài sản và tính mạng của người dân.
Để làm rõ hơn về nguyên nhân gây ra gây lũ ống, lũ quét và ngập úng đầu tháng 10-2022 tại Nghệ An, xin mời quý độc giả theo dõi cuộc trao đổi của Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An Nguyễn Trường Thành với chương trình Dân hỏi - Cơ quan chức năng trả lời (Báo Nghệ An).
Tin bài và ảnh: Võ Đại Khoa
phòng Phòng chống thiên tai
Nguồn video: Báo Nghệ An