image banner
Nghệ An triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp với siêu bão sắp vào Biển Đông
Trước tình hình siêu bão Rai sắp tiến vào Biển Đông, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành; các tổ chức chính trị - xã hội; các huyện, thành, thị và cơ quan, đơn vị liên quan triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão

    Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Chiều ngày 16/12, siêu bão có tên quốc tế là RAI đã ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển phía Đông của Philippines; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Dự báo tối ngày 17/12 bão sẽ vào biển Đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 13-14, giật cấp 17, gây sóng biển cao từ 6-8 m ở khu vực bắc, giữa và nam Biển Đông; Đến ngày 19 và 20/12, khu vực biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ có thể có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15; đe dọa trực tiếp đến an toàn của tàu thuyền và các hoạt động trên biển, ven biển.

Anh-tin-bai

Dự báo đường đi của bão Rai

(nguồn Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia)

Anh-tin-bai

Bão Rai qua ảnh chụp từ vệ tinh Himawari-8

    Nhận định đây là cơn bão cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, xảy ra vào cuối mùa mưa bão, diễn biến còn rất phức tạp. Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng của Nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT - TKCN) Nguyễn Đức Trung đã có công điện yêu cầu các địa phương và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quyết liệt chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung một số nhiệm vụ sau:

    1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã:

    a) Phối hợp với lực lượng biên phòng và các cơ quan có liên quan chỉ đạo rà soát, nắm rõ ngay tất cả phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải và phương tiện khác) và các hoạt động trên biển; tổ chức theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để tàu thuyền, phương tiện hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng và phòng chống dịch COVID-19 cho người dân tại nơi neo đậu, tránh trú.

    b) Căn cứ diễn biến, nguy cơ ảnh hưởng của bão và thực tế tại địa phương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các đảo và trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản.

    c) Rà soát, chuẩn bị sẵn phương án để chủ động ứng phó với tình huống bão ảnh hưởng đến địa phương; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, xử lý mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là đảm bảo an toàn dân cư trong bối cảnh dịch COVID-19, bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất.

Anh-tin-bai

Tàu thuyền về nơi trú tránh tại Quỳnh Lưu

    2. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến bão để Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh, các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị và người dân biết chủ động chỉ đạo và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão.

    3. Sở Y tế chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là các khu vực dự kiến sơ tán dân cư khi có tình huống.

    4. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông Vận tải, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các Sở, ban, ngành khác có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai các biện pháp ứng phó với bão, bảo đảm an toàn đối với lĩnh vực được phân công theo dõi, nhất là bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, ven biển. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo công tác kiểm đếm, kêu gọi, hướng dẫn đảm bảo an toàn tàu thuyền.

    5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương ứng phó bão khi có yêu cầu.

    6. Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An, Báo Nghệ An, Đài Thông tin duyên hải Bến Thủy, các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin kịp thời diễn biến của bão, công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.

    7. Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh tổ chức trực ban 24/24, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các Sở, ban, ngành, địa phương triển khai các phương án ứng phó cụ thể phù hợp với diễn biến của bão, nhất là bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, ven biển, an toàn tính mạng người dân; kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

    8. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện; báo cáo kết quả về Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh (qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh) để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Nội dung Công điện

Tải về

Bài và ảnh: Võ Đại Khoa

phòng Phòng chống thiên tai

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 289
  • Trong tuần: 3 325
  • Tất cả: 149135