Nghệ An: Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Sau các đợt thiên tai xảy ra, tỉnh Nghệ An đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cùng nhân dân tỉnh nhà tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống.
Trong bối cảnh hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra với tần suất cao, cường độ mạnh và diễn biến khó lường; gây tổn thất nặng nề về người, tài sản. Đối với tỉnh Nghệ An, thời gian qua liên tiếp chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai (bão, ngập lụt, sạt lở đất, lốc, sét, …) gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản; nhiều nhà cửa của người dân, trường học, cơ sở y tế bị hư hại; nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông bị sạt lở, chia cắt; hoạt động sản xuất, đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là tại các địa phương ở khu vực miền núi.
Từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn Nghệ An chịu ảnh hưởng của 01 đợt rét hại trên diện rộng, có 23 đợt lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ, 5 đợt mưa lớn diện rộng (trong đó có đợt mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4).
Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay thiên tai đã làm chết 11 người, bị thương 01 người; 98 nhà bị sập; 973 nhà bị hư hỏng, tốc mái; gây thiệt hại lớn về sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng thiết yếu,….
Thiệt hại do những đợt thiên tai gây ra là hết sức nặng nề, cần rất nhiều nguồn lực, thời gian, công sức mới khắc phục được. Trước tình hình đó, cấp ủy và chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cùng nhân dân tỉnh nhà tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống. Với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” trong công tác phòng chống thiên tai, một số nhiệm vụ trọng tâm đã được tỉnh Nghệ An thực hiện như sau:
Đầu tiên, tập trung chữa trị người bị thương, hỗ trợ thuốc phòng, chữa bệnh cho người dân; đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ, hỗ trợ các gia đình có người bị chết hoặc mất tích và gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai.
Hai là, với mục tiêu không để người dân nào bị đói, rét và thiếu chỗ ở; Các địa phương đã chủ động, khẩn trương sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tại chỗ để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, ưu tiên các hộ có nhà bị trôi, sập, đổ, các hộ ở vùng bị ngập sâu, sạt lở, chia cắt; Huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, bố trí chỗ ở tạm và có phương án tái định cư đối với những hộ gia đình bị mất nhà cửa, nhất là các gia đình có người bị chết, mất tích, gia đình chính sách, người già neo đơn, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Ba là, vận động Nhân dân, nhất là các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn phối hợp Đội xung kích Phòng, chống thiên tai cấp xã cùng với các lực lượng khác tại cơ sở tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các công trình, khu vực công cộng, nhà cửa của dân vùng bị ngập lũ, không để bùng phát dịch bệnh sau thiên tai. Đồng thời, hỗ trợ các trường học, trung tâm y tế chỉnh trang, sửa chữa lại cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh, khám chữa bệnh cho người dân sau bão, lũ.
Lực lượng vũ trang Nghệ An giúp nhân dân khắc phục hậu quả ngập lụt
Thứ tư là, xác định việc đảm thông suốt và an toàn các tuyến đường giao thông vận tải trong công tác hỗ trợ, cứu trợ các vùng bị thiên tai và đặc biệt phục hồi tái thiết sau thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu và hết sức quan trọng. Chính vì vậy, các lực lượng chức năng liên tục kiểm tra, rà soát các công trình giao thông bị sạt lở, hư hỏng bảo đảm an toàn giao thông. Triển khai lực lượng, máy móc khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở, hư hỏng, nhất là trên các trục giao thông chính. Mặt khác các Sở, Ban, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, tập trung ổn định, phát triển sản xuất đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra.
Năm là, các địa phương đã chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bước đầu sửa chữa, khôi phục các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu (hệ thống điện, đường giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập, …) bị hư hỏng để sớm ổn định các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Sáu là, tiếp tục rà soát, chủ động cảnh báo, kịp thời có phương án sơ tán khẩn cấp trợ giúp người dân sống tại khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún đất, lũ ống, lũ quét,… để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, đánh giá, thống kê tình hình thiệt hại, bảo đảm đầy đủ, chính xác; Đề xuất với các cấp có thẩm quyền hỗ trợ nguồn lực khắc phục hậu quả.
Bảy là, các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh và địa phương quán triệt, động viên tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị phát huy tinh thần tận tụy, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc; tổ chức rà soát, tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm các công việc còn tồn đọng; xử lý kịp thời, hiệu quả những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi và luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của các đợt thiên tai, ổn định, phát triển sản xuất.
Tám là, cùng với các cơ quan thông tấn báo chí thì hệ thống thông tin cơ sở, và các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh sau bão lũ cũng như đưa tin kịp thời, chính xác chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai của các cấp chính quyền địa phương.
Chín là, tổ chức đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, phục hồi tái thiết sau các đợt thiên tai, rút kinh nghiệm cụ thể để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, trong thời gian tới.
Tin bài và ảnh: Võ Đại Khoa
phòng Phòng chống thiên tai