image banner
Nghệ An: Nắng nóng gay gắt, nguy cơ nước mặn xâm thực

Do ảnh hưởng của EL Nino, từ đầu năm đến nay lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương. Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, tại tỉnh Nghệ An tiếp tục có khả năng xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt. Dự báo năm 2024, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn sẽ đến sớm hơn so với mọi năm. Tỉnh Nghệ An sẽ triển khai nhiều giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong mùa cạn.

Nghệ An có trên 82km bờ biển với nhiều cửa sông và cửa lạch đổ ra biển, nên khi nước ngọt tại các sông hồ xuống thấp sẽ khiến nguy cơ nước biển xâm lấn Nội đồng rất lớn. Trong mấy ngày qua, Cống Nam Đàn II mực nước thượng lưu qua Cống rất thấp, có những thời điểm mực nước còn xuống âm 0,7m. So với các năm trước đây, năm nay tình trạng mực nước sông xuống thấp xảy ra sớm hơn. Theo đó, mực nước trong nội đồng có những thời điểm còn cao hơn 0,5 m so với mực nước sông Lam. Điều đáng lo ngại là khi nước sông xuống thấp sẽ khiến nguy cơ nước mặn xâm thực vào nội đồng rất lớn.

Anh-tin-bai

Cống Nam Đàn II tại K59 +000

Để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong đó, Chỉ thị yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương: Theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước ngọt. Tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác; vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Anh-tin-bai

Ảnh minh họa: kiểm tra nồng độ mặn tại Bara Nghi Quang

Trả lời phòng vấn của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Trường Thành – Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi; Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh cho biết “Hiện tại, ngành đã yêu cầu các đơn vị cung cấp nước thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn để thông báo cho các đơn vị sử dụng nguồn nước. Khi nộng độ mặn lên tới một phần nghìn thì tuyệt đối không được bơm tới cho cây trồng. Đối với các cống cuối hệ thống yêu cầu tuyệt đối tuân thủ các quy trình vận hành…”

Nguồn: Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Nghệ An

Trong thời gian tới nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra và nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cùng với đó tình trạng nước mặn xâm thực sẽ xảy ra. Vì thế ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương đơn vị cần tăng cường các giải pháp tiết kiệm nước. Thường xuyên đo kiểm tra nồng độ mặn ở các đầu mối công trình để cảnh báo về tình tạng nước mặn xâm thực.

Tin bài: Nguyễn Thế Cương

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1