image banner
Một số giải pháp về công tác phòng chống lụt bão năm 2024

Từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, khó dự báo. Sau các đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các huyện miền núi.

Mặc dù chính quyền các cấp, các Sở, ngành đã chủ động theo dõi sát tình hình, tổ chức triển khai công tác phòng, chống thiên tai từ sớm, từ xa, tuy nhiên, thiên tai vẫn gây ra thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và công trình hạ tầng cơ sở, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân, cụ thể:  Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thời tiết cực đoan với 01 đợt rét đậm, rét hại và 30 đợt lốc, sét và mưa đá… đã làm chết 04 người, 01 người bị thương, 39 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 1.642 nhà bị hư hỏng, tốc mái; nhiều thiệt hại về diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng thiết yếu khác.

Anh-tin-bai

Sạt lở tại dốc Chuối, huyện Quế Phong trong đợt mưa lớn ngày 23/7/2024

Bên cạnh đó, với yêu cầu bảo đảm an toàn trước thiên tai của xã hội ngày càng cao, trong bối cảnh quy mô dân số và nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Những thách thức đặt ra đối với công tác phòng, chống thiên tai rất lớn, nhất là khi tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cường độ thiên tai trung bình có xu thế gia tăng, tần suất thiên tai lớn xuất hiện dày hơn, xuất hiện nhiều đợt thiên tai cực đoan trái với quy luật trước đây. Vì vậy, nguyên tắc “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả trong đó lấy phòng là chính” luôn là định hướng để các ngành, địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai.

Theo cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ tháng 8/2024, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ đập là rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân.

Anh-tin-bai

Sạt lở, đất đá tràn vào nhà dân tại xã Nga My, huyện Tương Dương đợt mưa lớn ngày 24/8/2024

Để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai, trong khi trọng tâm mùa mưa, bão năm 2024 đang cận kề; cấp ủy và chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa thiên tai cùng cộng đồng, người dân thực hiện với nguyên tắc “phòng là chính” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Một số nhiệm vụ trọng tâm đã được tỉnh Nghệ An chỉ đạo thực hiện như sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc: Luật Phòng, chống thiên tai; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và các quy định khác có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai.

Hai là, chú trọng công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, qua các phần mềm ứng dụng, áp phích, tờ rơi… Tăng cường cung cấp thông tin; chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn…để các cấp, các ngành, Nhân dân được biết, trong đó chú trọng đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi để chủ động thực hiện có hiệu quả các phương án ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Lồng ghép và tăng cường đưa các nội dung phòng chống thiên tai (kiến thức, kỹ năng, xác định các rủi ro thiên tai, giải pháp ứng phó…) phù hợp với từng nhóm dân cư trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, hoạt động phát triển kinh tế xã hội khác nhằm nâng cao nhận thức người dân hướng đến mục tiêu: Người dân chủ động thực hiện phòng, chống thiên tai với sự hỗ trợ về thông tin cảnh báo, chỉ dẫn phòng, tránh của chính quyền các cấp.

Ba là, rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành để xuyên suốt và thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Đồng thời với phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng địa bàn, khu vực trọng điểm, xung yếu, đảm bảo chế độ thông tin báo cáo giữa các Ban Chỉ huy của các cấp, các ngành và địa phương.

Bốn là, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác cảnh báo, dự báo về thiên tai để cung cấp kịp thời các bản tin dự báo về thiên tai, đến các cấp chính quyền và người dân trong cộng đồng biết, chủ động phòng tránh.

Năm là, rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra

Sáu là, trên cơ sở phương án phòng chống thiên tai và kế hoạch phòng chống thiên tai, tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp sát với tình hình thực tế của địa phương nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó khi có sự cố xảy ra. Đồng thời củng cố, đào tạo, tập huấn, từng bước nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ để chủ động ứng phó, hỗ trợ người dân, chính quyền địa phương khi có tình huống xảy ra; đặc biệt là ở các địa bàn trọng điểm, xung yếu.

Bảy là, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc vận hành an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Xây dựng phương án ứng phó với thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình trong mùa mưa lũ, ổn định phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân.

Tám là, Tổ chức rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Chín là, tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều; tổ chức giải tỏa, thanh thải các bãi tập kết vật liệu, công trình, nhà xưởng trái phép ở bãi sông, lòng sông để đảm bảo hành lang tiêu thoát lũ.

Mười là, Chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai công tác phòng, chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định, không để người dân thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc các vật dụng thiết yếu khác, không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau bão, mưa lũ, ngập lụt, không để ảnh hưởng lớn đến việc học hành của các cháu học sinh.

Tin bài: Nguyễn Thế Cương

THÔNG BÁO
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1