Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều
Sáng ngày 8/12, Tổng cục phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến “Tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều” cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt
Sáng ngày 8/12, Tổng cục phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến “Tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều” cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt. Hội nghị được tổ chức nhằm: Phổ biến, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường tính chủ động, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, xử lý sự cố đê điều và hộ đê phòng lụt cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đê, hộ đê và công tác trực ban phòng, chống lụt bão.
Về phía điểm cầu Trung ương, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận chủ trì, tham gia tại điểm cầu Trung ương còn có sự tham gia của các đơn vị liên quan thuộc Tổng cục; các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Trường Đại học Thủy lợi; Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) và một số cơ quan thông tấn, báo chí trong nước.
Các điểm cầu tham dự hội nghị
Về phía điểm cầu các địa phương có sự tham gia của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt với 114 điểm cầu và hơn 600 cán bộ lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi/ Đê điều, các phòng, chuyên viên thuộc Chi cục Thủy lợi/Đê điều; Lãnh đạo Hạt và kiểm soát viên đê điều.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Trường Thành, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh, Chi cục Trưởng chi cục Thủy lợi chủ trì.
Điểm cầu tại tỉnh Nghệ An
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết: Mặc dù năm 2021 không có lũ lớn trên các tuyến sông có đê, nhưng hệ thống đê điều cũng đã xảy ra trên 70 sự cố, trong đó có những sự cố nghiêm trọng uy hiếp đến an toàn đê như: sự cố sạt lở đê tả Thao - tỉnh Phú Thọ; sụt lún đê hữu Đáy - tỉnh Ninh Bình… Thực tế, công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lụt, bão và khắc phục hậu quả lụt, bão gây ra nhiều năm qua cho thấy, nhiệm vụ của lực lượng quản lý đê có vai trò rất quan trọng, là lực lượng trực tiếp chỉ đạo triển khai xử lý giờ đầu các sự cố đê điều nên đã hạn chế được phần nào thiệt hại do lũ, bão gây ra. Đồng thời, là lực lượng trực tiếp kiểm tra ngăn chặn xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Do vậy, công tác tập huấn kỹ thuật hộ đê để chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, lũ bão, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều là rất cần thiết… nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giữ đê an toàn, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai
Phạm Đức Luận phát biểu khai mạc Hội nghị
Tại Hội nghị các đại biểu đã được giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật mới về đê điều, phòng chống thiên tai, nhận định xu hướng thời tiết, thiên tai những tháng đầu năm 2021; ứng dụng công nghệ GIS (Geographic Information System) trong quản lý dữ liệu về đê điều; Xử lý sự cố các cống qua đê…
Báo cáo tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng khoa công trình, Trường Đại học Thủy lợi cho biết: Qua điều tra, nghiên cứu đánh giá về hiện trạng các cống dưới đê có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội, tuy nhiên thực trạng hệ thống cống dưới đê sông và đê biển ở nước ta chủ yếu được xây dựng từ những thập kỷ 70 của thế kỷ trước nên tiềm ẩn nguy cơ sự cố liên quan đến thủy động lực (thấm qua mang cống), hư hỏng cửa van cống, khớp nối, do tác động của con người...
Đề xuất giải pháp xử lý sự cố cống qua đê theo các nguyên nhân trên cần xử lý mặt bê tông bằng vật liệu chống mài mòn; xử lý chống thấm nền cống bằng cừ chống thấm kết hợp bù nền bằng hỗn hợp xi măng bentonite, thay thế khớp nối hoặc kết cấu vật liệu thay thế phù hợp với môi trường làm việc của cống; duy tu, sửa chữa, thay thế van cống...
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thắng giới thiệu một số công nghệ hiện nay để xử lý sự cố cống qua đê
Hội nghị đã ghi nhận các bài tham luận của các địa phương trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan đến công tác hộ đê, phong trào thi đua xây dựng đê kiểu mẫu, đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, dự án xử lý cấp bách đê điều, công tác quản lý chất lượng thi công công trình đê điều, công tác quản lý đê điều trong bối cảnh COVID-19.
Tin bài và ảnh: Võ Đại Khoa
phòng Phòng chống thiên tai