Đoàn kiểm tra của thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh kiểm tra công tác PCTT-TKCN năm 2023 tại huyện Kỳ Sơn
Ngày 14/9/2023, đồng chí Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Nghệ An, thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN và PTDS) tỉnh đã đi kiểm tra công tác PCTT-TKCN năm 2023 tại huyện Kỳ Sơn; cùng tham gia có đại diện các phòng thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT- TKCN và PTDS tỉnh.
Tham gia làm việc với đoàn kiểm tra về phía huyện Kỳ Sơn có: Đồng chí Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS huyện và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS huyện.
Toàn cảnh buổi làm việc về công tác PCTT 2023 tại UBND huyện Kỳ SơnTại buổi làm việc, huyện Kỳ Sơn đã báo cáo công tác Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Theo đó, năm 2023 huyện Kỳ Sơn với mục tiêu chủ động phòng tránh, xây dựng phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả khẩn trương, có hiệu quả nhằm giảm nhẹ thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão lụt gây ra, sớm ổn định đời sống cho nhân dân và phát triển sản xuất. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, vật tư, hậu cần) nhằm bảo vệ công trình công cộng, tài sản và tính mạng của nhân dân...
Đ/c Vi Văn Oanh - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kỳ Sơn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS huyện Kỳ Sơn báo cáo công tác PCTT-TKCN năm 2022 và công tác chuẩn bị PCTT-TKCN từ đầu năm 2023 cho đến nay.
Đánh giá công tác PCTT-TKCN của huyện Kỳ Sơn năm 2022 và đầu năm 2023 cho đến nay
Trong công tác PCTT-TKCN năm 2022, đồng chí Lê Văn Ngọc ghi nhận huyện Kỳ Sơn thể hiện được một số ưu điểm như: thực hiện nghiêm túc Công điện, Chỉ thị của UBND tỉnh về công tác PCTT-TKCN trong năm 2022; trong điều kiện nguồn nhân lực có hạn, UBND huyện Kỳ Sơn đã thực hiện rất tốt phương châm 4 tại chỗ; kịp thời xử lý những tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn, huy động tối đa nội lực nhân dân để khắc phục sản xuất và đời sống nhân dân. Ngoài những ưu điểm đồng chí yêu cầu huyện Kỳ Sơn cần khắc phục một số nhược điểm: số liệu của các xã trên địa bàn huyện báo về Ban chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS huyện còn chậm. Công tác thu Quỹ PCTT và nộp về Quỹ PCTT thực hiện chưa tốt theo kế hoạch được UBND tỉnh giao.
Đến ngày 14/9/2023, công tác chuẩn bị PCTT-TKCN năm 2023 được UBND huyện chủ động tổ chức sớm, cụ thể: xây dựng và phê duyệt phương án PCTT-TKCN năm 2023 trên địa bàn huyện (Phương án số 576/PA-UBND.PCTT ngày 16/5/2023), đồng thời chỉ đạo 21 xã và thị trấn xây dựng, phê duyệt phương án PCTT-TKCN trên địa bàn; chỉ đạo thực hiện công tác PCTT-TKCN theo phương châm “4 tại chỗ” ứng phó với bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất,…nhất là các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt là xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai thực hiện nội dung tiêu chí 3.2. “Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về PCTT tại chỗ” trong xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo triển khai thực hiện quyết định số 4315/QĐ-UBND ngày 14/9/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác PCTT; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT và triển khai Kế hoạch số 491/KH-UBND ngày 24/8/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược Quốc gia Phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Nghệ An tại các địa phương.
Tại buổi làm việc các thành viên của Đoàn kiểm tra đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung liên quan đến kiến nghị của huyện Kỳ Sơn và các giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác PCTT của huyện trong thời gian tới.
Đ/c Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS huyện chia sẻ những khó khăn trong công tác PCTT trên địa bàn huyện
Đ/c Lê Hồng Lập - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Kỳ Sơn trao đổi một số vướng mắc
Đ/c Lầu Bá Tểnh - Trưởng phòng Dân tộc báo cáo đoàn kiểm tra
Đ/c Nguyễn Văn Long - Giám đốc Ban Quản lý Dự án huyện Kỳ Sơn báo cáo về công tác đầu tư, xây dựng các công trình PCTT trên địa bàn huyện
Yêu cầu về công tác PCTT - TKCN trong thời gian tới:
Thời gian tới là mùa cao điểm của mưa bão trong năm 2023. Để thực hiện tốt công tác PCTT - TKCN, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho Nhân dân, đồng chí Lê Văn Ngọc yêu cầu huyện Kỳ Sơn:
Đ/c Lê Văn Ngọc kết luận tại buổi kiểm tra công tác PCTT-TKCN huyện Kỳ Sơn
- Khắc phục những nhược điểm trong công tác PCTT – TKCN của huyện, đặc biệt là công tác báo cáo nhanh thiệt hại về thiên tai. Cần có phương án, cách làm đổi mới để công tác báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS huyện được thực hiện một cách nhanh chóng.
- Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác PCTT. Rút kinh nghiệm công tác PCTT-TKCN năm 2022 và đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp cho năm 2023. Triển khai kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT – TKCN và PTDS huyện; tăng cường kiểm tra kế hoạch, phương án PCTT-TKCN tại các địa phương. Khẩn trương xây dựng, ban hành, rà soát và bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai của huyện;
- Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS cấp huyện, xã theo nhiệm vụ được giao phải thường xuyên kiểm tra công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Cần quán triệt và tổ chức kiểm tra thực hiện phương châm "4 tại chỗ", nhất là các địa điểm, công trình xung yếu có nguy cơ mất an toàn trong mùa lụt bão. Sẵn sàng chỉ huy ứng cứu, khắc phục, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn, không để bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra;
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong công tác PCTT-TKCN. Thực hiện công tác cảnh báo tình hình thời tiết và các nguy cơ xảy ra sự cố khi có bão lụt, tham khảo sử dụng thêm các công cụ của mạng xã hội để cập nhật thông tin về thời tiết, thiên tai trên địa bàn huyện đến với người dân;
- Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo từ xã đến các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS huyện; từ các thành viên đến Trưởng ban PCTT-TKCN và PTDS huyện; từ Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS huyện đến Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh;
- Chỉ đạo kiểm tra biển cảnh báo tại các vị trí có nguy cơ sạt lở đất để nhân dân biết và phòng tránh, đồng thời xây dựng phương án xử lý trước mắt và lâu dài. Đối với các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở cần xây dựng phương án di dời chi tiết, tránh trường hợp bị động khi xảy ra sự cố. Trường hợp thời tiết xấu, cần kiên quyết di dời để đảm bảo tuyệt đối tính mạng cho người dân;
- Đối với các cầu, tràn, các đoạn đường dễ ngập vào mùa mưa đề nghị bố trí đầy đủ cột thủy chí, phát quang cây cỏ, nạo vét khơi thông hệ thống thoát nước, hệ thống rãnh dọc, cống ngang dân sinh, thượng hạ lưu của các cầu, tràn;
- Tăng cường kiểm tra, rà soát điều kiện hoạt động của các phương tiện thủy, chủ phương tiện và sự đảm bảo an toàn của các bến đò. Nghiêm cấm đò hoạt động khi có bão lũ, nước sông dâng cao, chảy xiết nguy hiểm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện;
- Rà soát các trang thiết bị cần thiết để chuẩn bị tốt cho công tác PCTT-TKCN;
- Tổ chức tập huấn, đào tạo cho bộ máy cấp huyện, cấp xã, người dân và đặc biệt là lực lượng xung kích PCTT cấp xã các kỹ năng cần thiết khi thiên tai xảy ra;
- Đề nghị UBND huyện chỉ đạo bộ phận giúp việc Quỹ PCTT huyện thực hiện báo cáo kết quả thu Quỹ PCTT 2022 và nộp về Quỹ PCTT tỉnh theo quy định; đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thu Quỹ PCTT theo Kế hoạch được UBND tỉnh giao năm 2023;
- Đối với các hạng mục công trình bị hư hỏng do thiên tai năm 2022 gây ra đã được hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa đề nghị UBND huyện đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, sớm hoàn thành đưa vào vận hành, sử dụng.
Tin bài và ảnh: Nguyễn Thế Cương