Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh Nghệ An đề nghị các địa phương trên địa bàn tỉnh kiểm tra, rà soát chủ động phòng, chống sạt lở khi mùa mưa lũ đang đến gần
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, dự báo năm 2024 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các loại hình thiên tai có thể gia tăng so với trung bình nhiều năm.
Trong 5 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên gây
thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp, nhà ở, tài sản, cơ sở hạ tầng
của người dân và Nhà nước, đặc biệt là hiện tượng sụt lún, sạt lở đất. Theo
thống kê trong năm 2023 trên
địa bàn tỉnh xuất hiện 373 vị
trí đã xảy ra và có nguy cơ cao xảy ra sụt lún, sạt lở đất, đá, ảnh hưởng đến
nhà cửa, tài sản, hạ tầng cơ sở cũng như gây tâm lý bất an cho 9.881 hộ dân đang sinh sống trong khu vực (274
điểm, khu vực bị sạt lở núi, 99 điểm,
khu vực bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông, suối).
Để chủ động cho công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là phòng chống sụt lún, sạt lở khi mùa mưa lũ đang đến gần, Văn phòng thường trực Ban Chỉ
huy Phòng chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN và PTDS) tỉnh đã đề nghị các cấp chính quyền khẩn trương thực hiện một số nội dung cấp bách bảo đảm tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước trước, trong mùa mưa lũ.
Một là tại các vị trí bị sụt lún, sạt lở hoặc xuất hiện nguy cơ
xảy ra sụt lún, sạt lở: Chính quyền địa phương luôn sẵn sàng phương án và kiên quyết triển khai sơ
tán người dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng khi xuất hiện tình huống bất lợi. Đồng
thời theo dõi diễn biến sụt lún, sạt lở, cắm biển cảnh báo và hạn chế hoặc cấm
người và phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm. Đối
với những vị trí sụt lún, sạt lở đất xảy ra trong phạm vi hẹp, quy mô nhỏ không
ảnh hưởng đến các hộ dân; người dân và chính quyền địa phương bố trí và cân đối
các nguồn lực để khắc phục nhằm đảm bảo an toàn về người và cơ sở hạ tầng.
Hai là triển khai các biện pháp cấp bách
phòng, chống sạt lở và thực hiện Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến
năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh trồng cây
chắn sóng, trồng rừng ngập mặn ven biển để phòng, chống sạt lở.
Ba là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức,
hướng dẫn kỹ năng nhận biết dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở đất để người dân chủ
động sơ tán, di dời trước khi sạt lở xảy ra.
Bốn là rà soát, cập nhật, bổ sung hiện trạng
và tổng hợp tình hình sạt lở trên địa bàn. Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các kế
hoạch, phương án sơ tán người dân và tài sản ra khỏi vùng bị ảnh hưởng khi diễn
ra thời tiết bất lợi.
Năm là sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phối hợp với các đơn vị, và người
dân ứng phó, khắc phục kịp thời hiệu quả các tình huống xảy ra.
Nội dung Công văn số 57/VP.PCTT ngày 23/5/2024 về việc kiểm tra, ra soát chủ động phòng, chống sạt lở bảo đảm tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước trước, trong mùa mưa lũ. Tải về
Đây là nội dung rất quan trọng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh yêu cầu các địa phương triển khai khẩn trương và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 21/6/224.
Tin bài: Nguyễn Thế Cương